Viêm âm đạo do nấm Candida là tình trạng phổ biến. Nấm âm đạo có thể liên tục tái phát do môi trường âm đạo bị thay đổi. Cần có kế hoạch điều trị dứt điểm và phòng ngừa lâu dài.

Vì sao nấm âm đạo cứ tái phát?

Viêm âm đạo do nấm Candida phổ biến đến mức cứ 4 phụ nữ thì 3 người từng bị ít nhất một lần trong đời. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy được chuẩn bị tinh thần và kiến thức cho tình huống này. Chỉ đến khi nhiễm trùng nấm âm đạo rồi, chúng ta mới thật sự tìm hiểu về nó. Đặc biệt là khi nấm âm đạo cứ tái phát mà không rõ nguyên nhân.

Những định kiến xung quanh sức khoẻ âm đạo làm ta khó mà trò chuyện cởi mở về sự thật của cơ thể.

Vì thế, điều đầu tiên cần nhớ là: Bạn chẳng cần phải xấu hổ vì bị viêm âm đạo hay vì nấm cứ liên tục tái phát. Điều đó không có nghĩa là bạn “mất vệ sinh” hay đã phạm phải lỗi lầm gì. Không cần thiết phải trách cứ bản thân chỉ vì mấy tế bào nấm.

Cái gì gây ra nấm âm đạo?

Nhiễm khuẩn nấm âm đạo được gây ra bởi nấm candida. Trong đó phổ biến nhất là loại Candida albicans.

Nấm candida này thường sống ở trạng thái hoại sinh, trên da và trong cơ thể như miệng, họng, đường tiêu hoá và âm đạo.

Ở trạng thái hoại sinh, số lượng tế bào nấm candida rất ít, không gây ra triệu chứng gì. Nấm sống cân bằng với các vi sinh vật hội sinh khác trên và trong cơ thể. Ví dụ, ở âm đạo, các lợi khuẩn như Lactobacillus tạo ra môi trường có tính axit nhẹ để kiềm chế sự phát triển của nấm và các vi sinh vật gây hại. Hãy hình dung âm đạo của bạn như chiếc máy giặt có chế độ tự làm sạch.

Khi môi trường âm đạo bị thay đổi (bởi dược phẩm, chấn thương, stress, hoặc hệ miễn dịch suy yếu), nấm Candida phát triển quá mức. Nó chuyển sang trạng thái ký sinh, gây nên nhiễm trùng và những triệu chứng khó chịu.

Vì vậy, chìa khoá phòng ngừa viêm âm đạo do nấm Candida là duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật âm đạo.

Dấu hiệu của nấm âm đạo?

Có thể bạn bị nấm âm đạo nếu:

  • Ngứa, kích ứng âm đạo và âm hộ
  • Cảm giác đau, rát, buốt đặc biệt khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Âm hộ tấy đỏ
  • Đau, ê âm đạo
  • Phát ban âm đạo hoặc âm hộ
  • Khí hư dày, đặc, màu trắng, không mùi, có cục lợn cợn như phô mai
  • Dịch âm đạo loãng

Khi nào cần đi khám tình trạng viêm âm đạo?

Dấu hiệu của nhiễm trùng nấm âm đạo rất giống với các tình trạng khác, chẳng hạn như nhiễm khuẩn âm đạo, trich (bệnh lây truyền qua đường tình dục), hoặc viêm da (bệnh da liễu).

Vì vậy bạn không nên tự chẩn đoán hay tự điều trị vì có thể sai nguyên nhân. Tốt nhất là được bác sĩ thăm khám trực tiếp, đặc biệt là trong các trường hợp:

  • Lần đầu bị viêm âm đạo do nấm
  • Không chắc có phải là nấm Candida hay không
  • Dấu hiệu viêm không hết sau khi tự điều trị bằng thuốc đặt âm đạo hoặc kem thoa kháng sinh
  • Có những dấu hiệu nghiêm trọng, phức tạp của nấm âm đạo

Thế nào là những dấu hiệu phức tạp của nấm âm đạo?

  • Sưng tấy, bỏng rát, dẫn đến nứt nẻ da âm hộ
  • Bị nhiễm trùng nấm men trên bốn lần một năm
  • Bị nhiễm trùng bởi một loại nấm ít phổ biến
  • Đang mang thai
  • Bị tiểu đường
  • Hệ miễn dịch suy yếu do sử dụng dược phẩm, đang điều trị cho một bệnh lý khác
  • Người ghép tạng hoặc đang điều trị HIV

Nấm âm đạo có lây qua đường tình dục không?

Nấm âm đạo không được phân loại là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhưng khả năng nhiễm trùng nấm âm đạo tăng lên sau khi quan hệ tình dục lần đầu. Có bằng chứng cho thấy rằng nó lây qua quan hệ tình dục bằng miệng (khi miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục).

Có nên quan hệ tình dục nếu đang bị nấm âm đạo?

Quan hệ tình dục khi đang bị nấm âm đạo khá là đau, nhưng nếu bạn muốn thì hãy làm tới đi! Chỉ cần nắm rõ những nguy cơ và biện pháp phòng ngừa.

Mặc dù rất hiếm nhưng đàn ông cũng có thể bị viêm do nấm Candida. 100% bạn cần sử dụng biện pháp màng chắn như bao cao su. Thận trọng tránh để nấm Candida lây qua đường miệng. An toàn nhất là không quan hệ tình dục đường miệng, hoặc chờ tới khi hết hẳn tình trạng viêm nhiễm.

Hãy giao tiếp cởi mở với partner về tình trạng sức khoẻ của bạn trước khi quan hệ, để cả hai bạn đều có đầy đủ nhận thức và sự đồng thuận.

Vì sao nấm âm đạo tái phát?

8% phụ nữ bị nhiễm trùng nấm âm đạo trên bốn lần mỗi năm. Trường hợp này được gọi là nhiễm nấm âm đạo tái phát. Cần có phương pháp trị liệu và kế hoạch phòng ngừa dài hạn.

Khi nấm âm đạo tái phát, có một trong các khả năng sau:

Điều trị không đúng loại nấm

Viêm âm đạo do nấm candia thường có nguyên nhân bởi một loại nấm candida cụ thể, có tên Candida albicans.

Các loại nấm khác cũng có thể gây nhiễm trùng. Nhưng thuốc trị nấm chỉ điều trị loại phổ biến nhất.

Vì thế, nếu loại nấm đang gây viêm ở cơ thể bạn khác với loại phổ biến này, thì thuốc điều trị có thể không hiệu quả.

Điều trị chưa dứt hẳn nấm

Có những lúc bạn ngỡ là bị viêm âm đạo một đợt mới, nhưng thực ra là đợt trước vẫn chưa được điều trị dứt điểm. Điều trị viêm do nấm là một cơ chế đơn giản nhưng phải rất kiên trì. Cần điều trị đủ liều lượng, theo đúng lộ trình cho đến khi hết thuốc, và tái khám để đảm bảo viêm nhiễm đã hết hẳn.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Kháng sinh làm tiêu diệt cả các vi khuẩn hội sinh trong âm đạo, làm suy yếu khả năng đề kháng của âm đạo. Tình trạng này cho phép nấm Candida phát triển nhanh quá mức và tăng khả năng bị viêm. Người càng sử dụng kháng sinh lâu thì càng dễ bị viêm âm đạo do nấm men.

Tiểu đường

Hàm lượng đường cao ở người bị tiểu đường làm nấm men phát triển mạnh mẽ hơn. Phụ nữ có đường huyết cao, có xu hướng bị nhiễm trùng nấm men thường xuyên hơn so với những phụ nữ có đường huyết được kiểm soát hơn.

Mức độ estrogen cao

Phụ nữ có hàm lượng estrogen cao có xu hướng bị nhiễm trùng nấm men nhiều hơn. Ví dụ:

  • Phụ nữ có thai
  • Người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày có chứa estrogen
  • Người đang trị liệu hormone estrogen

Biện pháp ngừa thai

Các biện pháp ngừa thai chẳng hạn như:

  • Viên uống ngừa thai hàng ngày
  • Kem diệt tinh trùng
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp

Đều có thể ảnh hưởng tới sự cân bằng của pH và hệ vi sinh vật âm đạo, tạo điều kiện cho nấm men sinh sôi phát triển.

Môi trường âm đạo ẩm ướt

Mặc quần áo ẩm ướt, chật, như đồ tập gym chưa thay ra ngay, hoặc mặc đồ bơi ẩm sau khi bơi, hoặc không thay đồ lót đủ thường xuyên, sẽ tạo ra môi trường ẩm thấp nơi nấm men dễ dàng phát triển.

Vệ sinh vùng kín không đúng cách

Sử dụng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh, hoặc thụt rửa sâu trong âm đạo, làm mất sự cân bằng tự nhiên của môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.

Chăm sóc kinh nguyệt không đúng cách

Các sản phẩm thấm hút kinh nguyệt là lựa chọn mặc định. Tuy nhiên, chúng ảnh hưởng tới pH và độ ẩm của âm đạo. Nhiều phụ nữ có xu hướng tái phát viêm âm đạo sau kỳ kinh nguyệt, đặc biệt nếu họ:

  • Sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng
  • Không thay băng vệ sinh hoặc tampon đủ thường xuyên
  • Băng vệ sinh hoặc tampon có chứa những thành phần (như nước hoa tổng hợp, chất tẩy) làm rối loạn môi trường âm đạo. Nấm có thể tái phát kể cả khi bạn đã làm mọi cách để chăm sóc kinh nguyệt tốt nhất.

Chế độ ăn uống

Có giả thiết cho rằng một số thực phẩm hoặc chế độ ăn làm tăng khả năng nấm tái phát. Tuy nhiên chưa có đủ nghiên cứu để ủng hộ giả thiết này.

Làm sao để phòng ngừa nấm âm đạo tái phát?

Không nên

  • Mặc quần hoặc đồ lót bó sát
  • Thụt rửa âm đạo
  • Sử dụng sản phẩm kinh nguyệt thấm hút (tampon, băng vệ sinh)
  • Sử dụng sản phẩm vệ sinh phụ nữ có hương tổng hợp hoặc chất tẩy (tampon, băng vệ sinh, nước hoa vùng kín)
  • Ngâm tắm trong bồn nước quá nóng
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc có chứa corticoid cho các bệnh gây ra bởi virus, như cảm lạnh
  • Mặc đồ ướt (đồ bơi hoặc đồ gym) trong thời gian dài
  • Mặc đồ lót khi ngủ

Nên

  • Chuyển sang sử dụng sản phẩm kinh nguyệt không thấm hút (như Cốc nguyệt san Cải tiến Cocmau)
  • Sử dụng sản phẩm kinh nguyệt không có chất tẩy hoặc hương tổng hợp (như băng vệ sinh hoặc tampon hữu cơ)
  • Bổ sung lợi khuẩn (men vi sinh, sữa chua không đường, kim chi, dưa cải, thực phẩm bổ sung), đặc biệt trong khi sử dụng kháng sinh hoặc sau khi đặt thuốc chữa nấm âm đạo.
  • Mặc đồ lót thông thoáng từ vải sợi tự nhiên (cotton, tre) và thay đồ lót ít nhất 1 lần/ngày.
  • Vệ sinh dịu nhẹ bên ngoài âm hộ bằng nước ấm hàng ngày.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ có pH phù hợp với âm đạo (từ 3.8 – 4.5) trong các trường hợp cần thiết (sau khi tập thể thao, sau quan hệ tình dục, khi đến kỳ kinh nguyệt,…).

Nguyên tắc quan trọng nhất là trung thành với các sản phẩm không mùi, không hương liệu–và tin tưởng âm đạo của bạn tự làm nhiệm vụ đề kháng và vệ sinh.

Bạn đã bao giờ bị nấm âm đạo tái phát? Điều gì giúp bạn vượt qua tình trạng đó? Cho chúng mình biết dưới comment nhé.


Nguồn

Cleveland Clinic. (n.d.). Vaginal yeast infection. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/5019-vaginal-yeast-infection

Cottrell, B. H. (2010). An updated review of evidence to discourage douching. MCN: The American Journal of Maternal/Child Nursing, 35(2), 102-107. https://doi.org/10.1097/NMC.0b013e3181cae426

Leegaard, M. (1984). The incidence of Candida albicans in the vagina of “healthy young women”: How often do they have symptoms? Possible etiological factors. Acta Obstetricia et Gynecologica Scandinavica, 63(1), 85-89. https://doi.org/10.3109/00016348409156280

Mayo Clinic. (2023, June 9). Yeast infection (vaginal): Symptoms and causes. Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/yeast-infection/symptoms-causes/syc-20378999

Van Kessel, K., Assefi, N., Marrazzo, J., & Eckert, L. (2003). Common complementary and alternative therapies for yeast vaginitis and bacterial vaginosis: A systematic review. Obstetrical & Gynecological Survey, 58(5), 351-358. https://doi.org/10.1097/01.OGX.0000064693.86755.48

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *