Hướng dẫn toàn tập về Cốc nguyệt san

Chiếc cốc nguyệt san nhỏ hơn lòng bàn tay nhưng có thể tiết kiệm tiền bạc, rất ít ảnh hưởng lên môi trường, thoải mái hơn tampon và băng vệ sinh, đồng thời bảo toàn hệ sinh thái khoẻ mạnh của âm đạo. Có thể bạn sẽ cần 1-3 kỳ kinh để làm quen, sau đó việc sử dụng cốc sẽ trở nên dễ dàng như bản năng thứ hai. Đừng lo lắng vì một chiếc cốc bé xíu bằng silicone y tế! Chúng mình luôn ở đây để giải đáp mọi băn khoăn của bạn. Đọc tiếp để biết cách đặt cốc nguyệt san, cách tháo và vệ sinh cốc – cùng những kinh nghiệm mà chỉ các chuyên gia về cốc mới bật mí cho bạn.

Cốc nguyệt san là gì?

Cốc nguyệt san là dụng cụ hình chiếc cốc nhỏ để hứng và đựng dịch kinh nguyệt. Trong kỳ kinh, tử cung co bóp và đẩy dịch kinh nguyệt ra qua một lỗ nhỏ bằng đầu đũa trên cổ tử cung, vào âm đạo rồi ra ngoài. Băng vệ sinh chắn bên ngoài âm đạo để thấm hút lượng chất lỏng này. Tampon được đặt bên trong âm đạo để thấm hút kinh nguyệt. Cốc nguyệt san không thấm hút dịch kinh nguyệt, mà được đặt bên trong âm đạo để hứng và đựng chúng, cho tới khi bạn tháo cốc và đổ kinh nguyệt đi.

Cốc cần nằm hoàn toàn bên trong âm đạo, miệng cốc nằm bên dưới cổ tử cung để hứng trọn dòng kinh nguyệt.

Thời gian bạn có thể đeo cốc liên tục tuỳ thuộc vào lượng kinh nguyệt của bạn, nhưng không quá 12 giờ mỗi lần sử dụng. Cốc nguyệt san Cocmau có dung tích 20 ml, bằng 4 lần tampon (5 ml) và gấp đôi băng vệ sinh thông thường (10 ml). Vì vậy với Cocmau bạn sẽ ít khi phải đi tới nhà vệ sinh để xử lý tình huống kinh nguyệt sắp tràn bờ đê. Với lượng kinh nguyệt trung bình hoặc ít hơn thế, hầu hết mọi người có thể đeo cốc liên tục tới 10-12 giờ. Nếu lượng kinh nguyệt của bạn lớn hơn thì sẽ cần tháo cốc sớm hơn. Với cốc nguyệt san, hãy chú ý rằng: cốc vừa vặn, thoải mái cho cơ thể bạn luôn là ưu tiên quan trọng hơn dung tích.

Vệ sinh và khử trùng cốc nguyệt san

Trước lần đầu tiên sử dụng (và sau mỗi kỳ kinh nguyệt) bạn cần khử trùng cốc. Cách khử trùng rất đơn giản: đun sôi một nồi nước, rồi thả chiếc cốc vào trong vòng 5 phút. Để cốc không chạm đáy nồi, bạn có thể cho thật nhiều nước, dùng đôi đũa giữ cốc nổi, hoặc cho cốc vào bên trong cây đánh trứng. Vi khuẩn không thể tồn tại trong nước sôi lâu hơn 5 phút, nên bạn không cần phải dành cho cốc nguyệt san dụng cụ khử trùng đặc biệt hay cái nồi riêng nào cả.

Xuyên suốt kỳ kinh, bạn không cần khử trùng cốc mỗi lần tháo ra. Chỉ cần rửa cốc bằng nước lạnh cùng với dung dịch vệ sinh phụ nữ, xả sạch cốc rồi đeo lại mà không cần phải lau khô. Hãy dùng các loại dung dịch dịu nhẹ, ít kiềm, không có thành phần nước hoa hay tinh dầu có thể để lại màng phim trên cốc hoặc gây kích ứng cho bạn.

Cách đặt cốc nguyệt san

Để đưa cốc nguyệt san vào, trước hết bạn cần gập nhỏ cốc. Cách gập dễ nhất để bắt đầu là hình chữ V như dưới đây (còn gọi là kiểu “ấn xuống” vì bạn ấn gập thành cốc vào trong). Ngoài ra còn có rất nhiều cách gập thú vị khác.

@cocmau

Một vài cách gập đơn giản là đủ để bạn trở thành cup pro. ✨ #cocmau #menstrualcup #cupcult #periodhacks #periodlife #greenliving

♬ original sound – Cocmau – Cốc nguyệt san Cocmau

Hãy dành vài phút tập luyện tới khi bạn thấy có thể gập thành thạo và giữ nếp gấp chắc chắn trong tay.

Với chiếc cốc đã gập lại, đến lúc đặt cốc vào âm đạo rồi! Bạn có thể luyện tập bước này trước khi kỳ kinh đến. Hãy chọn tư thế thoải mái cho bạn: ngồi xổm, ngồi trên toilet, hoặc đứng gác một chân lên cao.

Một tay giữ cho môi âm mở ra, tay kia bạn nhẹ nhàng lách cốc vào. Hãy cố gắng giữ cho cốc ở trạng thái gấp lại và đẩy vào tới khi toàn bộ cốc lọt vào bên trong âm đạo, cuống cốc không thừa ra ngoài. Nếu cốc bung ra quá sớm, bạn vẫn có thể điều chỉnh cho cốc về vị trí thoải mái. Nhưng nếu không chỉnh được vị trí thì bạn hãy lấy cốc ra và thử lại nhé. Hãy nhớ rằng đây là một kỹ năng mới! Sau vài lần tập luyện bạn sẽ thấy dễ hơn.

Để cốc nguyệt san hoạt động đúng cách và chống tràn, cốc cần phải mở ra và tạo giác bám kín, cố định với thành âm đạo của bạn. Để đảm bảo giác hút đã kín, hãy check bằng cách di ngón tay quanh bầu và vành cốc: bầu cốc nên tròn đầy, không bị móp vào trong. Nếu vẫn thấy có chỗ bị móp, hãy ấn vào bầu cốc từ phía dưới lên, hoặc ấn nhẹ vào thành âm đạo để hỗ trợ cốc mở ra. Bạn cũng có thể cầm vào đáy cốc xoay nó một vòng.

Cốc có phù hợp với mình?

Nếu bạn không cảm thấy cốc khi đeo, cốc cố định vị trí và không bị rò rỉ – chúc mừng, bạn đã tìm được Chén Thánh! Hầu hết mọi người cần khoảng 1 – 3 kỳ kinh để đảm bảo cốc hoạt động đúng cách. Vì vậy hãy dùng kèm băng vệ sinh hàng ngày cho tới khi bạn biết là mọi thứ đã trơn tru.

Cách tháo cốc nguyệt san

Tháo cốc nguyệt san khá đơn giản, mặc dù chúng mình hiểu là ban đầu có vẻ hơi đáng sợ! Dịch kinh nguyệt sánh đặc chứ không lỏng như nước, vì vậy bạn có thể yên tâm là nó sẽ ở yên trong cốc khi tháo. Trước hết, bạn nên tập tháo cốc khi đi tắm để không phải quá lo về chuyện dọn dẹp một đống bừa bộn.

Giữ cho bản thân thư giãn nhé! Lo lắng sẽ chỉ càng làm cơ thể bạn căng cứng, cơ sàn chậu siết chặt quanh cốc sẽ làm bạn khó lấy cốc ra hơn.

Nếu cốc đang ở vị trí sâu, bạn có thể dùng cơ sàn chậu rặn nhẹ giống như khi đi vệ sinh, kết hợp cầm vào cuống cốc và lắc nhẹ qua hai bên, kéo cốc xuống đủ thấp tới khi bạn bóp được vào đáy cốc. Đừng kéo cuống cốc theo chiều thẳng đứng xuống dưới.

Để tháo cốc một cách thoải mái, bạn luôn cần phá vỡ giác hút mà miệng cốc tạo với thành âm đạo. Hãy bóp vào bầu cốc hoặc lách hẳn một ngón tay vào và ấn dẹt thân cốc lại, kẹp ngón tay bạn ở giữa (gọi là phương pháp “bánh mì kẹp xúc xích”). Càng nhiều không khí lọt vào bạn sẽ càng tháo dễ hơn.

Tiếp tục zig zag xuống thấp để lấy cốc hẳn ra ngoài, cầm lấy thân cốc thật chắc chắn theo chiều thẳng đứng (đừng tuột tay nhé!). Nếu đang tắm, bạn có thể đổ nội dung của chiếc cốc vào lỗ thoát nước. Hoặc nếu bạn đang ngồi trên toilet thì hãy đổ kinh nguyệt vào bồn cầu.

Rửa cốc với nước lạnh + dung dịch vệ sinh phụ nữ, sau đó đeo cốc lại và – voilà! – lại thêm nhiều giờ nữa không cần phải lo lắng về kinh nguyệt.

Mẹo sử dụng cốc nguyệt san từ các chuyên gia

  1. Cố định vị trí cốc
    Khi đặt cốc, bạn hãy rặn nhẹ (giống như đang đi vệ sinh nặng) kết hợp đẩy cốc vào trong. Khi cốc đã vào vị trí khá cao trong âm đạo, bạn thả lỏng trở lại trạng thái bình thường. Việc này đảm bảo cốc lọt vào đúng khoang âm đạo bên dưới cổ tử cung, là vị trí thoải mái + chống tràn tốt nhất, đồng thời đảm bảo chiếc cốc được ôm giữ cố định.
  2. Bôi trơn
    Chỉ cần 1-2 giọt gel bôi trơn gốc nước để giúp trải nghiệm lần đầu dễ chịu hơn. Hãy thoa gel trên miệng cốc thôi nhé – thân cốc đầy gel rất dễ bị trượt khỏi tay.
  3. Giúp cốc “ợ hơi”
    Sau khi đeo cốc xong bạn hãy ấn vào đáy cốc để đẩy bớt không khí thừa bên trong ra và giúp cốc bật mở.
  4. Bong bóng khí
    Nếu bạn cảm thấy có bong bóng khí thoát ra khi đeo cốc, đó là dấu hiệu cốc sắp đầy. Hãy ghé nhà vệ sinh để tháo cốc sớm nha!
  5. Cốc quá mềm
    Nếu gặp khó khăn khi làm cốc bật mở ra, hãy thử gập cốc theo cách hình môi âm (labia), hoặc xả cốc dưới nước lạnh một lúc để làm cốc cứng lên.
  6. Cốc quá cứng
    Hãy ngâm hoặc xả cốc một lúc trong nước nóng để làm mềm silicone, và nhớ check nhiệt độ của cốc trước khi đưa vào.

Bạn vẫn còn câu hỏi? Hãy xem giải đáp mọi thắc mắc trên đời về cốc nguyệt san tại đây!

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *