Sự trùng hợp đáng kinh ngạc giữa kinh nguyệt ở phụ nữ và sự vận động của mặt trăng đã hớp hồn nhân loại từ thuở sơ khai của ngôn ngữ và tư duy trừu tượng.

Có thật là chu kỳ kinh nguyệt đồng bộ hoá với mặt trăng?

Trong 3000 loài động vật có vú, chỉ một tá loài có chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm con người, một số loài linh trưởng bậc cao, chuột chù voi, và dơi.

Trong một tá loài có chu kỳ kinh nguyệt, chỉ con người có chu kỳ trung bình bằng đúng một tuần trăng: 29.4 ngày.

Nếu bạn có chu kỳ gần như điển hình và đều đặn, và bạn hành kinh vào lúc trăng non, thì tháng nào bạn cũng sẽ hành kinh vào trăng non.

Sự trùng hợp đáng kinh ngạc này đã đi vào nền tảng của văn minh, vào cách chúng ta hiểu về thời gian, chu kỳ sinh sản, ngôn ngữ, thậm chí tập quán kết đôi và sinh hoạt tình dục.

Nào, cùng chúng mình khám phá…

Ảnh hưởng của mặt trăng lên hormone nữ

Chu kỳ kinh nguyệt được điều tiết bởi vũ điệu tinh tế của các hormones, bao gồm:

  • Melatonin
  • Hormone hoàng thể (LH)
  • Hormone kích thích nang trứng (FSH)
  • Estrogen
  • Progesteron

Tuyến yên tiết ra melatonin để điều tiết giấc ngủ. Tuyến yên nằm trong não bộ, giao tiếp với buồng trứng và tử cung thông qua trục HPO để kích thích cơ quan sinh sản tạo ra các hormone sinh dục.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ánh trăng cùng với chu kỳ lực hấp dẫn của mặt trăng điều tiết sự sản xuất melatonin, dẫn tới hiện tượng đồng bộ hoá giữa chu kỳ kinh nguyệt với chu kỳ mặt trăng ở nhiều đối tượng tham gia nghiên cứu. Quan sát thường thấy nhất ở phụ nữ trẻ và những ai có chu kỳ dài hơn 27 ngày.

Thêm nữa, lực hấp dẫn của mặt trăng có thể điều khiển được chuyển động của đại dương, tạo nên thuỷ triều và vô số dạng sống phụ thuộc vào môi trường sống đó.

Dù còn mới mẻ và gây tranh cãi, đây quả là một giả thiết hấp dẫn. Mặt trăng có thể gây ra những chuyển biến tinh tế về hormone, từ đó ảnh hưởng tới thời gian và sự vận động của toàn bộ chu kỳ sinh sản

Đi ngược về quá khứ có thể cho chúng ta vài manh mối.

Dư âm từ những ngôn ngữ cổ xưa…

Trong các ngôn ngữ Indo-European, chúng ta dễ dàng tìm được sự liên kết giữa kinh nguyệt và Mặt Trăng.

Chẳng hạn, menstruation (hành kinh) và menses (hiện tượng kinh nguyệt) đến từ tiếng Latin mensis, nghĩa là “tháng”. Bản thân mensis (tháng) xuất phát từ gốc Hy Lạp mene (mặt trăng).

Sự chung chạ nguồn gốc này còn mở rộng tới cả month (tháng) và moon (mặt trăng) trong tiếng Anh. Tiếng Anh cổ có từ monaðblot (month-blood) nghĩa đen là máu-tháng để chỉ kinh nguyệt.

Ngay cả tiếng Việt cũng có bằng chứng: đến tháng (theo lịch mặt trăng) nghĩa là hành kinh.

Hán tự cho tháng trong tiếng Hán và tiếng Nhật đều là “mặt trăng”. Và kinh nguyệt nghĩa đen là “sự kiện đều đặn mỗi tuần trăng”.

Đáng kinh ngạc hơn nữa, thai kỳ của một phụ nữ, nếu tính từ ngày cuối cùng mà cô ấy có kinh nguyệt đến khi sinh hạ đứa con, dài bằng đúng 9 tuần trăng!

Sự vận động của chu kỳ sinh sản được xem như đồng nghĩa với chu kỳ Mặt Trăng. Dường như chúng ta có sự kết nối trực giác giữa cơ thể phụ nữ, Mặt Trăng, và khái niệm thời gian.

Phụ nữ vốn là sinh vật của Mặt Trăng

Trăng non đầu tháng thường được gắn với kinh nguyệt trong các nền văn hoá cổ xưa. Nếu bạn đến tháng vào trăng non, bạn là Chu Kỳ Trăng Trắng / Bạch Nguyệt (white moon cycle). Bạch Nguyệt có xu hướng là người hướng nội, nuôi dưỡng và kết nối với thiên nhiên. Dưới ánh trăng rằm, mẹ Trái Đất cũng đang vào dịp màu mỡ, dễ thụ thai, rộng mở nhất. 

Trăng tròn giữa tháng thường liên quan tới sự rụng trứng. Nhưng nhiều bạn cũng có thể hành kinh vào rằm, gọi là Chu Kỳ Trăng Đỏ / Hồng Nguyệt (red moon cycle). Hồng Nguyệt hiếm xảy ra hơn. Họ có xu hướng là những người phụ nữ thông thái, những phù thuỷ, bà lang,… Thời điểm những người phụ nữ này rụng trứng, họ chăm sóc những người phụ nữ khác đang có kinh kỳ. Họ là người sống sáng tạo, dẫn dắt, và chữa lành.

Sự hành kinh vào trăng rằm còn gắn liền với sức mạnh sáng tạo nằm ngoài giới hạn của sinh sản và nhân giống. Người phụ nữ có thể đưa năng lượng này vào nghệ thuật, doanh nghiệp và dự án cá nhân, hoặc khám phá một lối sống mới mẻ cho bản thân, cho thế giới.

Nhưng nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không khớp với chu kỳ Mặt Trăng?

Không sao. Ngày nay, hiếm khi phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt trùng khớp với Mặt Trăng. 

Bạn có thể có kinh bất kỳ thời điểm nào trong tháng, không quan trọng là trăng tròn hay trăng khuyết. Miễn là chu kỳ của bạn đều đặn và vẫn là chính BẠN, bạn có thể yên tâm. Nghĩa là kinh nguyệt đến đều đặn và số ngày hành kinh không đổi từ chu kỳ này qua chu kỳ tiếp theo.

Còn nếu chu kỳ của bạn khó đoán định thì có thể có nguyên nhân sâu xa, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, u xơ, pô-líp.

Phụ nữ đều kinh thường ít khi gặp triệu chứng khó chịu, mặc dù vẫn trải qua PMS, đau bụng kinh, hay tích nước, chướng bụng như một chu kỳ điển hình.

Với các biện pháp theo dõi và dự báo kinh nguyệt tiện lợi, bạn có thể dễ dàng đoán được khi nào mùa dâu lại ghé mà không cần phải quan sát chuyển động của Mặt Trăng.

Vì sao chu kỳ kinh nguyệt của bạn không trùng khớp với Mặt trăng?

Lẽ ra, chúng ta cần được ngủ trong bóng tối và sự tĩnh lặng hoàn toàn vào lúc trăng non, và dành những đêm trăng rằm cho khoái lạc, lễ hội, tiệc tùng, những dịp ăn mừng, đoàn tụ — là kết quả của những chuyến đi săn.

Ánh trăng giờ đây phải cạnh tranh với ô nhiễm ánh sáng từ thiết bị điện tử, nhà cửa, phố phường, văn phòng và những biển hiệu chớp nháy ngày đêm. Chúng ta hiếm khi nhìn thấy Mặt Trăng, đừng nói tới được tắm đẫm trong ánh sáng và bóng tối của một tuần trăng hoàn chỉnh.

Giấc ngủ ban đêm bị đứt quãng, không sâu. Thức dậy thường xuyên vào ban đêm làm melatonin bị rối loạn, ảnh hưởng tới sự rụng trứng, và do đó, sự điều tiết của toàn bộ chu kỳ.

Cuộc sống đô thị tách rời khỏi thiên nhiên cũng khiến cho stress và cortisol tăng vọt, làm các hormone sinh sản rối tung và kinh nguyệt trở nên thất thường.

Phần mềm cũng như môi trường sống của con người đã thay đổi chóng mặt, nhưng phần cứng vẫn là của 140,000 năm trước. Và sức khoẻ nội tiết của phụ nữ đã trả giá cho điều đó.

Làm sao để chu kỳ kinh nguyệt hoà hợp trở lại với Mặt Trăng?

Như những người phụ nữ tiền nông nghiệp cổ xưa, ta có thể ngồi dưới ánh trăng bên hồ nước, cởi bỏ những vướng bận như cởi bỏ xiêm y, tắm gội, thanh tẩy, lặng lẽ cầu nguyện với Chị Hằng. Hãy để sức mạnh của nữ thần giúp bạn tìm lại sự hoà hợp. Trong sự im lặng vô điều kiện mà Nàng ban phát, bạn sẽ nghe được tiếng nói bên trong. Hãy cho bản thân tự do hành động, tưởng tượng, yêu, theo đuổi ước vọng thầm kín của bạn trong không gian ấy.

Kết nối với thiên nhiên, không chỉ với Mặt Trăng, mà còn với những ngọn núi, những bãi biển, bình minh trên cánh đồng xanh, chuyến dạo bộ quanh khu bạn sống. “Tiếp đất” là cách nhanh nhất để stress rời đi khỏi cuộc sống của bạn, mang lại nhận thức cao hơn về kết nối giữa cơ thể và các hành tinh.

Hãy thử những cách để điều tiết giấc ngủ theo nhịp điệu tự nhiên:

  • Dùng rèm có chức năng khoá ánh sáng để ban đêm ngủ trong bóng tối tuyệt đối
  • Xây dựng cho mình một nghi thức buổi tối để chuyển dịch sang trạng thái ngủ, tuyệt hơn nữa nếu thực hiện nghi lễ dưới ánh trăng
  • Nghe nhạc thư giãn, tiếng ồn trắng hoặc âm thanh thiên nhiên
  • Cố tình làm mọi thứ thật lâu, tạo khoảng không cho bản thân thả lỏng, đừng mãi kẹt trong chế độ sinh tồn

Sức mạnh của chu kỳ kinh nguyệt

Cho dù có vận động theo quy tắc của Mặt Trăng hay không, chu kỳ khoẻ mạnh là tối quan trọng cho sự sống.

Miễn là sự hành kinh đều đặn và mỗi giai đoạn của chu kỳ được đánh dấu bởi những triệu chứng thể chất và tâm trạng quen thuộc, bạn có thể yên tâm. Chu kỳ điển hình của phụ nữ nằm trong khoảng 23-35 ngày. Hiếm người có chu kỳ dài bằng đúng tuần trăng.

Theo dõi độ dài chu kỳ bằng ứng dụng, quan sát màu và kết cấu của máu kinh, và ghi chép lại những triệu chứng thể chất như PMS hay mụn. Dựa vào đây, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, skincare, tập luyện và toàn bộ lối sống, giúp hệ nội tiết của bạn toả sáng. Chu kỳ kinh nguyệt thật sự là cuốn sổ sức khoẻ nếu bạn biết cách đọc nó.

Kết nối với tự nhiên mang cơ thể, sức khoẻ và não trạng của bạn trở lại trạng thái cân bằng. Bạn sẽ thấy kết quả tích cực là kinh nguyệt đều hơn, rụng trứng dễ dự đoán hơn, và không nặng nề các triệu chứng do thay đổi nội tiết.

Kết nối với chu kỳ kinh nguyệt của riêng bạn. Tò mò về bản thân bạn trong mọi giai đoạn của chu kỳ. Đó là bước đầu để đi tới một sức khoẻ toàn diện và một bản dạng tính dục tự do.

Nguồn tham khảo

Cohut, M. (2021, February 12). Menstrual cycles and lunar cycles: Is there a link? Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/menstrual-cycles-and-lunar-cycles-is-there-a-link

Helfrich-Förster, C., Monecke, S., Spiousas, I., Hovestadt, T., Mitesser, O., Wehr, T. A., & Roenneberg, T. (2021). Women temporarily synchronize their menstrual cycles with the luminance and gravimetric cycles of the Moon. Science Advances, 7(5), eabe1358. https://doi.org/10.1126/sciadv.abe1358

Jones, A. (2021, January 27). Moon cycles and menstrual cycles. The Scientist. https://www.the-scientist.com/moon-cycles-and-menstrual-cycles-68429

Law, S. P. (1986). The regulation of menstrual cycle and its relationship to the moon. Acta Obstetricia et Gynecologica Scandinavica, 65(1), 45–48. https://doi.org/10.3109/00016348609158228

Walters, M. (2021, September 1). The science and lore behind menstruation and the moon. Healthline. https://www.healthline.com/health/womens-health/menstrual-cycle-and-the-moon

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *