Kinh nguyệt chẳng dừng lại để thuận tiện cho bất kỳ ai. Kể cả khi sắp tới những dịp trọng đại, như kế hoạch nghỉ dưỡng bên bãi biển mà bạn đã lên kế hoạch trước cả tháng trời.
Hình như kỳ kinh nguyệt có khả năng thần kỳ là nhằm chính xác những dịp như vậy để tái xuất.
Vậy thì có đi bơi được khi đến tháng không?
Chúng mình có niềm tin mãnh liệt rằng kinh nguyệt không nên cản trở bạn làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Nhưng phải thừa nhận rằng đi tắm biển khi đến kỳ có thể gây stress vô cùng.
Khi bạn xuống nước, dòng kinh nguyệt không dừng lại.
Trông có vẻ như dòng kinh nguyệt ngừng lại khi xuống nước. Thực ra nó chỉ chảy chậm lại vì áp lực nước mà thôi.
Nghĩa là bạn vẫn cần sự bảo vệ.
Thật may, đã là thế kỷ 21 và các sản phẩm kinh nguyệt cho bạn sự bảo vệ vừa hiệu quả, vừa kín đáo. Bạn không cần phải tránh nước hoàn toàn đâu.
Bạn có lựa chọn để đi bơi khi tới tháng!
Tampon
Tampon là lựa chọn an toàn để đi bơi khi đến tháng. Nhưng hãy nhớ mang theo vài chiếc tampon dự trữ, và xác định trước một nơi an toàn, kín đáo để thay tampon.
Muốn tăng khả năng chống rò rỉ? Hãy đeo chiếc tampon mới vào ngay trước khi bạn xuống nước.
Khi lên bờ, bạn nên thay tampon mới ngay để đảm bảo thoải mái và vệ sinh. Vì tampon có thể thấm hút một chút nước bể hoặc nước biển.
Cốc nguyệt san
Cốc nguyệt san làm từ silicone y tế, là sản phẩm tái sử dụng, thay thế cho băng vệ sinh và tampon. Chiếc cốc tạo ra một giác hút kín xung quanh cổ tử cung, và hứng dòng kinh nguyệt vào trong.
Khác với tampon, cốc nguyệt san chỉ hứng dịch kinh nguyệt mà không thấm hút nước. Nên khi lên bờ, bạn không cần tháo cốc ngay lập tức.
Cốc nguyệt san chống rò rỉ, chống máu kinh nguyệt “lộ diện” rất tốt. Bởi vì cốc tạo ra giác hút kín, nên nước cũng không lọt được vào trong cốc.
Hãy đeo cốc vào trước khi xuống nước. Khi lên bờ, bạn có thể tháo cốc ngay nếu muốn. Nhưng nếu dòng kinh nguyệt của bạn không quá nhiều, thì có thể cứ tiếp tục đeo cốc tới tối đa 12 giờ. Cốc nguyệt san Cocmau có dung tích gấp đôi băng vệ sinh–hoàn hảo cho những ngày rong chơi bên bãi biển và khó tiếp cận tới nhà vệ sinh.
Đồ bơi kinh nguyệt
Đồ bơi dành cho kỳ kinh nguyệt cho phép bạn đi bơi khi đến kỳ.
Đồ bơi kinh nguyệt có thêm lớp chống nước ở bên ngoài, và một lớp thấm hút ở bên trong để thấm máu kinh. Thiết kế của chúng gọn nhẹ, có thể mặc như đồ bơi một mảnh hoặc bikini thông thường.
Tuy nhiên, sức chứa của đồ bơi kinh nguyệt khá giới hạn. Nên hầu hết các thương hiệu đồ bơi kinh nguyệt sẽ khuyến nghị sử dụng vào những ngày cuối của kỳ kinh nguyệt.
Hãy yên tâm – sẽ không ai biết bạn đang đến tháng!
Không ai biết được bạn đang sử dụng cốc nguyệt san. Đồ bơi kinh nguyệt chẳng khác gì đồ bơi thường. Với tampon bạn có thể vén gọn sợi dây vào trong. Cả ba cách này đều chống rò rỉ hiệu quả trong khi bạn đang bơi.
Bạn cũng có thể mặc đồ bơi tối màu, đề phòng trường hợp rò rỉ. Nhưng nếu bạn không muốn thế, thì cũng chẳng thành vấn đề!
Kinh nguyệt là hiện tượng hết sức bình thường: cứ 1 trong 8 người bạn gặp đang có kinh nguyệt. Nên khả năng là bạn không phải là người duy nhất đang đến tháng trong bể bơi.
Nhưng băng vệ sinh (và các sản phẩm thấm hút khác) chắc chắn là không được.
Băng vệ sinh
Băng vệ sinh hay bất kỳ sản phẩm kinh nguyệt nào cần dán vào quần lót đều không hoạt động được với đồ bơi. Miếng keo dán phía sau băng vệ sinh, khi xuống nước cũng trở nên vô dụng. Và chắc bạn không muốn hình dung tới việc dán những cái cánh màu trắng xung quanh đũng của quần bơi.
Quần lót nguyệt san
Quần nguyệt san là quần lót có cơ chế thấm hút chất lỏng. Một phát minh tuyệt vời, nhưng đáng tiếc là không chống nước, nên không mặc được khi bơi. Cũng như với băng vệ sinh, giờ phút mà bạn xuống nước, quần lót nguyệt san sẽ thấm hút hết nước bể, chẳng còn chỗ nào cho máu kinh nguyệt.
Có nên tạm hoãn kỳ kinh nguyệt đến khi bơi xong?
Bạn có thể uống thuốc tránh thai hàng ngày (viên nội tiết tổng hợp gồm progestin và/hoặc estrogen) để tạm ngừng hành kinh.
Có những lựa chọn khác như norethisterone (một dạng của progestin, không ngăn chặn sự rụng trứng). Nhưng không phải ai cũng phù hợp với lựa chọn này.
Hãy trò chuyện với bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn biện pháp delay kỳ kinh nguyệt tốt nhất. Vì không phải loại thuốc nào với nồng độ hormone và tác dụng phụ nào cũng dành cho tất cả mọi người.
Tôi muốn đi bơi nhưng kinh nguyệt của tôi ra rất nhiều?
Ra nhiều máu kinh nguyệt (cường kinh) có ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Nhưng chúng không nên cản trở bạn làm điều gì bạn muốn.
Cốc nguyệt san Cocmau có sức chứa gấp 3 lần super tampons. Bạn có thể sử dụng cùng một chiếc cốc cho cả ngày nhiều lẫn ngày ít kinh nguyệt, không cần chọn độ thấm hút như với tampon.
Nếu bạn lo lắng vì lượng kinh nguyệt của mình, hãy trò chuyện với bác sĩ sản-phụ khoa để tìm hiểu nguyên nhân.
Ngay cả các vận động viên bơi lội cũng phải suy nghĩ đến vấn đề kinh nguyệt.
Các nữ VĐV chuyên nghiệp sử dụng tampon và cốc nguyệt san. Một nghiên cứu quan sát đời sống cá nhân của các VĐV elite cho biết rằng họ thích sử dụng cốc nguyệt san hơn vì kín đáo, không dây, và có thể đeo liên tục tới 12 giờ (Brown, Knight, & Forrest, 2020).
Họ cũng sử dụng thuốc nội tiết tránh thai hàng ngày để hoãn kỳ kinh nguyệt, nhất là cho các dịp thi đấu. Kinh nguyệt có thể gây đau mỏi, ảnh hưởng tới thành tích thi đấu (Caballero-Guzmán & Lafaurie-Villamil, 2020). Và các nữ VĐV còn lo ngại về thái độ đối với kinh nguyệt từ đồng đội và huấn luyện viên.
Nhân dịp này, cùng gỡ bỏ những định kiến về kinh nguyệt.
Định kiến 1: Tập thể thao khi đến tháng làm đau bụng kinh hơn
Ngược lại mới đúng. Bơi lội khi tới tháng thậm chí còn có lợi cho sức khoẻ. Tập thể thao nhẹ nhàng giúp bạn giải phóng endorphins, chất giảm đau và thư giãn tự nhiên. Nó giúp bạn giảm đau bụng kinh và đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt. (Armour et al., 2019) Nên cứ phớt lờ những định kiến và vô tư đi bơi (nếu bạn muốn thế).
Định kiến 2: Đi bơi khi đến tháng là mất vệ sinh
Với sản phẩm kinh nguyệt phù hợp, bạn sẽ không cần lo đến khả năng rò rỉ ra bể bơi. Đi bơi khi đến tháng 100% vệ sinh.
Bể bơi chứa chlorine, giúp khử trùng những thành phần của dịch kinh nguyệt dễ dàng. Nó bao gồm máu, dịch tiết âm đạo và protein. Hãy nghĩ mà xem: trong bể còn có cả mồ hôi và nước tiểu. Chẳng có gì mà chlorine không xử lý được! Chlorine hạn chế vi khuẩn và vi sinh vật phát triển, giúp bể bơi sạch sẽ, vô trùng cho mọi người cùng bơi. (Và chúng mình thấy thật tuyệt khi bạn quan tâm đến sự an toàn của những người khác).
Định kiến 3: Cá mập bị hấp dẫn bởi máu kinh
Chuyện này chỉ là đồn đoán không căn cứ. Thực tế, khi bạn xuống nước, dòng kinh nguyệt sẽ chảy rất chậm do áp lực nước. Và kể cả nếu có máu kinh trong nước biển, nó cũng ngay lập tức bị hoà tan và cá mập không thể xác định được. (Nhưng nói thật, nếu bạn bơi ở vùng nước có cá mập thì chắc không phải là lúc để lo đến kinh nguyệt). Trong kỳ kinh nguyệt bạn còn có thể lặn biển với bình dưỡng khí, giống như các VĐV chuyên nghiệp vẫn làm.
Định kiến 4: Đi bơi khi đến tháng gây ra viêm nhiễm âm đạo
Theo một nghiên cứu, những bệnh phổ biến nhất liên quan đến bơi lội là: tiêu chảy, nôn mửa, cảm cúm, và bệnh đường hô hấp như ho hoặc nghẹt mũi (Yang, Zhou, Prinz, & Siegel, 2012). Viêm âm đạo không nằm trong danh sách này.
Nhưng bạn có thể bị viêm, ngứa âm đạo nếu mặc đồ bơi ướt quá lâu sau khi bơi xong. Tốt nhất nên đi tắm và thay quần áo khô ngay sau khi bơi. Hãy đi khám phụ khoa trực tiếp nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên.
Còn gì cần lưu ý để đi bơi khi tới tháng không?
- Uống nhiều nước. Mang theo nước dự phòng. Khi đến tháng, hormone sụt giảm làm ảnh hưởng tới sự hấp thụ nước. Bơi lội cũng làm bạn mất nước nhanh vì bạn vẫn đổ mồ hôi, nhưng cảm giác mát mẻ dưới nước sẽ làm bạn quên mất đang khát nước.
- Dùng kem chống nắng khi tiếp xúc với nắng mặt trời.
- Không mặc đồ bơi ướt sau khi bơi, nên tắm và thay đồ khô ráo ngay.
Người dùng Cocmau chăm sóc kinh nguyệt như thế nào nếu muốn đi bơi?
Người dùng Cocmau bao gồm vận động viên chuyên nghiệp, các bạn yêu thể thao, và các bạn muốn làm-gì-cũng-được-miễn-không-phải-vận-động vào kỳ kinh nguyệt.
Định kiến xung quanh kinh nguyệt, sự thiếu phổ cập về các lựa chọn chăm sóc kinh nguyệt, là lý do khiến mọi người tránh xa bể bơi khi đến kỳ. Nhưng, chỉ một trải nghiệm đơn giản là cứ-đi-bơi có thể làm sụp đổ toàn bộ những định kiến gia trưởng này.
Nắm bắt những thông tin khoa học, tích cực về kinh nguyệt và bơi lội giúp bạn sống thuận hoà với chu kỳ của tử cung. Đồng thời giúp bạn tìm được sản phẩm kinh nguyệt phù hợp với cơ thể bạn.
Nên đừng stress, hãy đi bơi nếu bạn muốn. Hoặc nếu bạn chỉ muốn nghỉ ngơi khi tử cung đang đình công, đó cũng là kế hoạch tuyệt vời luôn.
Cứ để dòng kinh nguyệt chảy tự do, trong khi bạn làm điều gì bạn muốn.
Sử dụng sản phẩm kinh nguyệt phù hợp khi đi bơi, không phải là để che giấu đi kinh nguyệt.
Cốt yếu nằm ở sự thấu hiểu chu kỳ của riêng bạn, sự tự do trong cơ thể bạn, và hành động trao quyền cho bản thân thông qua kiến thức.
Thế nên, hãy mở đầu cho cuộc đối thoại về kinh nguyệt trong thể thao. Bạn sẽ tạo ra không gian tốt lành, an toàn, khai phóng cho tất cả những ai có kinh nguyệt.
Bạn có hacks gì để đi bơi khi đến tháng? Cho chúng mình biết dưới comment!
Nguồn
Armour, M., Ee, C. C., Naidoo, D., Ayati, Z., Chalmers, K. J., Steel, K. A., & Smith, C. A. (2019). Exercise for dysmenorrhoea. Cochrane Database of Systematic Reviews, 2019(9). https://doi.org/10.1002/14651858.cd004142.pub4
Brown, N., Knight, C. J., & Forrest (née Whyte), L. J. (2020). Elite female athletes’ experiences and perceptions of the menstrual cycle on training and sport performance. Scandinavian Journal of Medicine & Science in Sports, 31(1), 52–69.
Caballero-Guzmán, A., & Lafaurie-Villamil, M. M. (2020). Nadar con la menstruación: Un estudio cualitativo en nadadoras de élite. Revista de la Facultad de Medicina, 68(3).
Yang, H., Zhou, B., Prinz, M., & Siegel, D. (2012). Proteomic analysis of menstrual blood. Molecular & Cellular Proteomics, 11(10), 1024–1035. https://doi.org/10.1074/mcp.m112.018390
Leave a Reply