Posted on Leave a comment

Định kiến về kinh nguyệt (và vì sao Cocmau sinh ra để đập nát chúng)

Ở các nền văn hoá, kinh nguyệt đều được gắn với ý nghĩa và hình ảnh khó chịu, thậm chí ô uế.

Chúng ta né tránh kinh nguyệt một cách có hệ thống

Nếu theo dõi TikTok của Cocmau, bạn sẽ biết chúng mình sử dụng phẩm màu đỏ để minh hoạ dịch kinh nguyệt, cùng với chút bột ngô để tạo độ sánh. Việc này vẫn luôn gây rắc rối lớn cho chúng mình khi chạy các chiến dịch quảng cáo và hiển thị trên social media. Các nội dung của Cocmau thường xuyên bị đình chỉ quảng cáo nếu nhắc đến kinh nguyệt, thậm chí chỉ một giọt dung dịch màu đỏ cũng khiến tài khoản bị dán nhãn “nhạy cảm” hoặc “nội dung người lớn”.

Kinh nguyệt là trải nghiệm hàng ngày của 53% dân số thế giới. Ngay khi bạn đang đọc dòng này, 800 triệu người trên thế giới đang hành kinh, bao gồm phụ nữ trưởng thành và cả trẻ em. Điều đó có nghĩa là cứ 7 người bạn gặp thì có 1 người đang trong tuần kinh nguyệt.

Hành kinh là một cơ chế sinh học bình thường của cơ thể khoẻ mạnh. Tại sao ta lại gặp khó khăn đến thế khi nói về nó? Từ truyền thông đại chúng, văn học nghệ thuật, cho tới ngay cả ngôn ngữ thường ngày – dường như có một âm mưu ngầm khiến cho chúng ta tìm mọi cách để tránh nhắc đến kinh nguyệt. Ta chỉ có thể bàn đến kinh nguyệt khi dùng các biện pháp nói giảm nói tránh.

Một khảo sát của ứng dụng theo dõi kinh nguyệt Clue cho biết, trên thế giới, người ta đã phát minh ra 5,000 từ vựng khác nhau chỉ để thay thế cho “hành kinh”, trong đó thú vị nhất là:

  • Tuần cá mập
  • Đến tháng
  • Bà dì
  • Ngồi trên giẻ
  • Thuỷ triều đỏ
  • Tuần trăng
  • Lời nguyền
  • Hồng quân (Liên Xô)
  • Kỳ dâu / tuần dâu

Ngay cả từ “đến kỳ” đã là một uyển ngữ, dùng để chỉ giai đoạn mà kinh nguyệt ghé thăm, thay vì trỏ tới hiện tượng đích là kinh nguyệt. Bạn còn có thể tham khảo hàng trăm uyển ngữ đầy sáng tạo khác được Bảo tàng Kinh nguyệt và Sức khoẻ Phụ nữ gom lại (đúng thế, bảo tàng này có thật!).

Ở Cocmau, chúng mình luôn thoải mái gọi kinh nguyệt bằng đúng tên của nó. Trong cộng đồng của chúng mình, kinh nguyệt không phải là chủ đề đáng xấu hổ hay cần phải giấu nhẹm đi.

Cách xã hội nhìn nhận kinh nguyệt

Thuật toán của social media không tự có định kiến, nó được cài đặt để học những định kiến đó từ nhóm mẫu, sau đó phóng đại hàng trăm lần những định kiến vốn đã tồn tại trong xã hội của chúng ta. Bằng cách chỉ cho phép những thông tin khớp với định kiến có sẵn được hiện diện, thuật toán cấy định kiến vào cả nhóm dân số vốn không có quan điểm cụ thể về kinh nguyệt. Vòng tròn cứ thế được lặp lại.

Kinh nguyệt không có màu xanh như những quảng cáo băng vệ sinh mà chúng ta xem từ nhỏ, với những cô gái tươi cười thanh thoát không có vẻ gì là đang hành kinh. Trong suốt gần một thế kỷ qua, tính từ thời điểm ra đời của băng vệ sinh và tampon sử dụng một lần, ngành quảng cáo đã tìm được cách ẩn ý nhắc tới kinh nguyệt mà thậm chí không bao giờ nhắc tên của nó.

Ta có thể thoải mái xem phim với cảnh đẫm máu bạo lực trên phim ảnh, nhưng máu kinh – thứ máu duy nhất tạo nên sự sống – lại bị kiểm duyệt gắt gao, trở thành chủ đề hoàn toàn cấm kỵ trong truyền thông đại chúng. Ngay cả khi kinh nguyệt xuất hiện trong quảng cáo, nó cũng được chiếu vào bởi duy nhất một luồng ánh sáng ảm đạm: là nỗi khó chịu, là chất thải, là đau đớn, là không được quan hệ tình dục, là bất tiện, là phải bỏ hết những kế hoạch quan trọng, là vấn đề tế nhị không nên đem ra bàn luận với người khác.

Những hạn chế của sản phẩm kinh nguyệt truyền thống lại bị đổ thừa lên thân thể phụ nữ. Khi lớn lên trong một môi trường mà 100% thông tin bao vây bạn là những cảm xúc tiêu cực về kinh nguyệt – không có một nguồn kiến thức bổ ích và mang tính động viên nào! – thật khó để nuôi dưỡng tình yêu với cơ thể đầy những khả năng kỳ diệu (dù đôi khi nó làm những việc hơi khó hiểu).

Nguồn gốc của định kiến

Một điều đáng ngạc nhiên là kinh nguyệt được xem như hiện tượng tiêu cực trong các nền văn hoá khắp thế giới, thậm chí cả vào thời kì trong quá khứ xa xưa khi giao lưu giữa chúng còn hạn chế.

Trong Kinh Thánh, Lê-vi Ký viết ra những luật lệ dành cho phụ nữ hành kinh, và đây là một đoạn trích:

Một người đàn bà có kinh sẽ bị ô uế trong bảy ngày, ai đụng đến người ấy sẽ bị ô uế cho đến tối.
Bất kỳ vật gì người ấy nằm hoặc ngồi lên đều không sạch.
Ai đụng đến giường người ấy nằm thì phải giặt quần áo mình, phải tắm, và bị ô uế đến tối.
Ai đụng đến vật gì người ấy ngồi lên cũng vậy.
Bất kỳ là giường người ấy nằm hay vật gì người ấy ngồi lên, hễ ai đụng vào, đều bị ô uế đến tối.
Nếu một người đàn ông giao hợp với người đàn bà trong thời gian bị ô uế, sẽ bị ô uế trong bảy ngày, giường nào người đàn ông này nằm cũng sẽ ô uế.
Lê-vi 15:19-22

Từ đây, những ẩn dụ sâu xa của Kinh Thánh được hiểu như nghĩa đen khi đi vào văn hoá đại chúng. Kinh nguyệt bắt đầu được hiểu như “lời nguyền” mà Thượng đế giáng xuống để trừng phạt bản chất tội lỗi của phụ nữ, thông qua hành động phạm thượng khi Eve dụ dỗ Adam ăn trái cấm.

Kinh nguyệt không chỉ là lời nguyền lên người trực tiếp hành kinh mà còn vấy bẩn cả những người tiếp xúc với người đó, hoặc với dòng máu. Và vì vậy, kinh nguyệt không tự thân nó là “chất bẩn”. Máu kinh còn “bẩn” về mặt tâm linh, thậm chí cả về y học.

Theo sử gia Hy Lạp Helen King, ở Hy Lạp cổ đại, trong những văn bản của Hippocrates khoảng thế kỷ 4-5 TCN, quan điểm chủ đạo là thân thể phụ nữ mềm yếu, thấm hút hơn so với nam giới [1]. Vì vậy nó tích tụ lại nhiều độc tố từ thức ăn, nước uống và rượu, tạo thành máu trữ trong cơ thể. Nếu không cho phép dòng máu này chảy ra ngoài hàng tháng, phụ nữ sẽ trở nên ốm yếu, hoặc máu sẽ di chuyển, tạo áp lực và gây rắc rối ở các bộ phận cơ thể khác. Trong khi đó, Aristotle lại cho rằng máu kinh tương đương với máu thiêng của động vật hiến tế, là cách mà cơ thể chúng ta giao tiếp với thần linh.

Y học Trung Quốc cổ đại đặt nền móng ở sự hài hoà, và kinh nguyệt không phải là ngoại lệ [5]. Máu kinh – biểu tượng của tính âm (yin), kết nối người phụ nữ với đứa con chưa sinh ra, mang sức mạnh tính nữ. Đồng thời nó được xem là cách mà cơ thể phụ nữ làm sạch chất bẩn cùng với độc tố. Do đó, dù có nhiều sức mạnh, máu kinh vẫn là thứ ô uế. Kinh nguyệt thoát ra đều đặn hàng tháng, không đi kèm đau đớn hay dấu hiệu bất thường được xem là trạng thái cân bằng. Cơ thể gặp tình trạng đau bụng kinh dữ dội là dấu hiệu của dư thừa tính dương (yang). Cuối cùng, đó vẫn là thất bại của một mình cô ấy khi không duy trì được cân bằng. Xã hội kỳ vọng cô giữ im lặng, tự tìm lại cân bằng qua lối sống, tư tưởng cũng như chế độ ăn.

Ngược lại, các nền văn minh săn bắt – hái lượm còn tồn tại lại có thái độ rất tích cực về kinh nguyệt. Họ xem kinh nguyệt là linh thiêng, không phải thứ nhiễm ô.

Mỗi tháng, người phụ nữ da đỏ Yurok phía bắc California tuyên bố đang “ở ngày Trăng” và rút khỏi lao động 10 ngày, chỉ nấu ăn cho chồng hoặc làm việc nhà. Người Yurok tin rằng phụ nữ đang trong thời kỳ đỉnh cao sức mạnh, nên tách biệt mình, không nên vướng bận bởi những lo lắng trần tục đặc biệt là về người khác giới.

Với người săn bắt – hái lượm, con gái có kinh có đặc quyền đến thăm các pháp sư để đi vào thế giới tâm linh, mà họ cho rằng có kết nối với Mặt Trăng, hay là “người chồng lớn nhất của phụ nữ”. Quyền năng của người phụ nữ hành kinh là bất khả xâm phạm – ai dám cả gan xâm phạm sẽ làm vấy bẩn cô ấy, khiến thần linh nổi cơn thịnh nộ.

Kiêng kỵ kinh nguyệt có khả năng là tiền-nông-nghiệp, thậm chí tiền-ngôn-ngữ

Vào năm 1991, Chris Knight, giáo sư Nhân loai học tại Đại học London đã đưa ra giả thuyết mang tính cách mạng và vô cùng gây tranh cãi về nguồn gốc của định kiến kinh nguyệt. Trong cuốn sách Blood Relations: Menstruation and the Origin of Cultures, ông đặt ra giả thuyết rằng kiêng kỵ kinh nguyệt mang tính toàn cầu bởi vì nó nằm trong cốt lõi của văn minh loài người. Theo ông, chính phụ nữ tạo ra một khoảng thời gian mà thân thể họ là không-thể-chạm-đến vì lợi ích của họ. Chỉ về sau này, những kiêng kỵ này mới biến tướng thành thứ xâm phạm vào quyền tự chủ của họ, thay vì củng cố nó [3].

Khi con người còn dựa vào ánh sáng mặt trăng để đi săn, mặt trăng là nguồn sống, là thần linh ban phước lành cũng như nguồn cơn của những thảm hoạ thiên nhiên. Chỉ có duy nhất phụ nữ mới có khả năng đồng bộ hoá chu kỳ kinh nguyệt với chu kỳ mặt trăng (cả hai đều dài xấp xỉ 29.4 ngày, một sự trùng hợp đáng kinh ngạc). Do đó, toàn bộ nền văn minh, bao gồm chế độ ăn, sinh hoạt tình dục lẫn sinh hoạt tâm linh đều lấy mặt trăng và vòng kinh của phụ nữ làm trung tâm.

Phụ nữ tiền sử liên tục củng cố nỗi kính sợ kinh nguyệt trong cộng đồng của họ, vì nó cho phép họ: 1) nghỉ ngơi khỏi áp lực đòi quan hệ tình dục từ con đực, và 2) sử dụng thời kỳ nghỉ sex để tạo động lực, bắt buộc người đàn ông mang mẻ săn về cho cô ấy và con cái, với phần thưởng là tuần trăng mật dẫn tới pha phóng noãn – khi mà cả khả năng thụ thai và khả năng lên đỉnh của cô ấy đều đang ở đỉnh cao. Nhưng phụ nữ không thể “đình công sex” một mình được – đơn giản là con đực sẽ đi kiếm bạn tình khác! Họ cần phải tạo ra những nghi lễ biểu tượng để đánh dấu thời kì mà tất cả phụ nữ đều bất khả xâm phạm. Đó là lý do khả dĩ nhất giải thích sự tồn tại của những túp lều kinh nguyệt, mà thực ra là những ngôi nhà an toàn về thể chất và tâm linh, nơi đàn ông không được bén mảng. Nếu anh ta dám cả gan xâm phạm người phụ nữ đang hành kinh, thần linh sẽ trừng phạt bằng cách tước đi vận may săn bắt của anh ta.

Thời kỳ Đồ Đá Mới (khoảng 10-12,000 năm trước đây), nền văn minh loài người chuyển dịch hẳn sang văn minh nông nghiệp. Cùng với đó, tư hữu ra đời và chế độ phụ hệ lên ngôi. Người đàn ông bắt đầu sở hữu đất, gia súc, cây trồng, phụ nữ và con cái như tài sản riêng, trước khi truyền quyền thừa kế cho con trai khi qua đời. Lúc này, họ viện tới chính nỗi sợ kinh nguyệt đã được cài đặt trong phần cứng của chúng ta (vốn không có gì tiến hoá đáng kể tính từ thời tiền nông nghiệp) để đặt lằn ranh giới hạn lên tự chủ thân thể của phụ nữ. Một khi bạn đã thành công trong việc làm cho một người sợ hãi chính cơ thể cũng như khả năng sinh sản của họ, toàn bộ ý chí tự do của họ sẽ biến mất.

Từ đó, truyền thống kinh nguyệt – vốn để giúp phụ nữ chia sẻ quyền kiểm soát tài nguyên, tự chủ sinh sản và đời sống tình dục – đã biến tướng thành gông cùm đeo trên cổ họ.

Vì sao định kiến có hại?

Kinh nguyệt bắt đầu ở nhóm tuổi 9-13. Nếu dán nhãn các nội dung giáo dục kinh nguyệt là “nội dung người lớn”, chúng ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi hạn chế lứa tuổi dậy thì tiếp cận tới nguồn kiến thức giúp các bạn chăm sóc cơ thể một cách khoẻ mạnh. Thế hệ mới được tự động cấy vào một niềm tin cổ hủ: rằng kinh nguyệt là độc hại, dơ bẩn, là mất vệ sinh, là bất lịch sự khi đem ra thảo luận với người khác.

Sự im lặng điếc tai bủa vây kinh nguyệt củng cố nỗi xấu hổ và tự ti về hình ảnh bản thân, đặc biệt trong giai đoạn cơ thể có những thay đổi lớn lao. Khó khăn khi thảo luận về sức khoẻ kinh nguyệt gây ra những hậu quả nguy hại hơn thế: chúng ta dần mất đi vốn từ cũng như thói quen trao đổi về sức khoẻ sinh sản, tình dục và thể chất, ngay cả với bác sĩ của mình.

Một khảo sát của Cocmau với 386 người tham gia thuộc lứa tuổi 16-35 cho biết: khi có vấn đề về kinh nguyệt, 83% các bạn sẽ google, thay vì tham vấn tài liệu y học chính thống, chuyên gia sức khoẻ hoặc người thân trong gia đình.

Chỉ 38% phụ nữ Thuỵ Điển gặp hiện tượng đau bụng kinh dữ dội từng đem vấn đề này đến gặp bác sĩ [2]. Các bệnh lý kinh nguyệt và nội tiết, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, trung bình mất tới 9 năm để được đưa ra chẩn đoán chính thức. Người bệnh chịu đựng đau đớn trong im lặng mà hoàn toàn không biết hiện tượng đó là bất thường. Ngay cả nhân viên y tế cũng gạt đi vấn đề của họ với quan điểm: “đau bụng kinh là bình thường, không có gì phải làm quá lên, chỉ cần chịu đựng rồi uống thuốc giảm đau là khỏi”.

Nền tảng kiến thức cộng đồng về sức khoẻ sinh sản yếu ớt, kết hợp với thái độ tiêu cực-né tránh, đã tạo điều kiện cho các nền công nghiệp thiếu giá trị đạo đức liên tục làm lợi bằng cách tấn công vào nỗi bất an, tự ti về cơ thể.

“Nghèo kinh nguyệt” – period poverty – vẫn đang là tình trạng mà cứ 10 người hành kinh thì có 1 người phải đối mặt. Đó là tình trạng không đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt, thiếu cơ sở vật chất để chăm sóc kinh nguyệt, không thể tiếp cận tới giáo dục kinh nguyệt hoặc xử lý chất thải kinh nguyệt. Ngay cả ở các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, 2/3 phụ nữ thuộc nhóm thu nhập thấp vẫn không thể mua được tampon trong năm ngoái [4]. Đối với họ, có đủ thực phẩm cho gia đình hay chảy máu ra quần – đó là câu hỏi sống còn. Nghèo kinh nguyệt là cuộc khủng hoảng âm thầm không được ai nhắc đến, không được ai giải quyết.

Chúng mình từ chối để tình trạng đó tiếp diễn. Ở cả lĩnh vực thương mại lẫn y tế, sức khoẻ phụ nữ đang trong tình trạng bị phớt lờ, bị hạ thấp ở mức độ nghiêm trọng.

Chúng mình ở đây để thay đổi điều đó

Bất chấp mọi khó khăn, Cocmau vẫn cam kết với việc gọi đúng tên kinh nguyệt, biểu diễn nó ở màu đỏ tươi mạnh mẽ, mở đường cho những cách biểu lộ thái độ tích cực về kinh nguyệt trong không gian công cộng.

Trong không gian của chúng mình, không có chủ đề nào là “đi quá giới hạn” hay “quá riêng tư”. Mọi câu hỏi với chúng mình đều có ích. Và hãy tin chúng mình đi – ngôn từ mà bạn chọn sử dụng có sức mạnh để thay đổi thế giới.

Một chữ đặt cạnh một chữ đặt cạnh một chữ là sức mạnh.

– Margaret Atwood

Một cách tự nhiên, chúng mình tiếp nhận hàng trăm câu hỏi liên quan trực tiếp cốc nguyệt san, và lớn lao hơn thế: cơ chế kinh nguyệt hoạt động thế nào, khi nào thì cần gặp bác sĩ, làm thế nào để giảm đau, lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện sức khoẻ và niềm tin tôn giáo, hoang mang về cơ thể đổi thay ở tuổi dậy thì, biện pháp phòng tránh thai hiệu quả, làm thế nào để sex an toàn và tích cực, làm thế nào để yêu cơ thể và bản dạng giới của mình.

Chúng mình nhận được không ít feedback rằng sử dụng cốc nguyệt san giúp các bạn người dùng nhận ra kinh nguyệt không đáng sợ đến thế, và cũng chẳng có mùi hôi tanh nào như với các sản phẩm kinh nguyệt truyền thống. Cốc cho phép các bạn quan sát trực tiếp màu sắc cũng như lượng kinh nguyệt, đồng thời hiểu cấu tạo cơ thể mình hơn – bước đầu đặt bản thân bạn ấy trở lại vị trí trung tâm, làm chủ sức khoẻ sinh sản của mình.

Bạn có thể không thích máu, bạn có thể mệt mỏi khi trải nghiệm PMS, nhưng vẫn có thể giữ thái độ tích cực về kinh nguyệt.

Bạn không cần phải là một nhà hoạt động nữ quyền, nhưng hoàn toàn có thể cảm thông với trải nghiệm của những người phụ nữ xung quanh. Đừng ngại chủ động hỗ trợ họ mua sản phẩm kinh nguyệt khi cần kíp – đôi khi bạn là phao cứu sinh duy nhất mà họ có vào thời điểm đó.

Hãy mua tặng bạn bè, người thân một món quà kinh nguyệt để nói rằng: “Mình rất quan tâm tới trải nghiệm sống hàng ngày của bạn, mình hy vọng món quà này sẽ làm bạn thấy khoẻ và tự tin hơn.”

Bạn cũng có thể sử dụng bất kỳ sản phẩm kinh nguyệt nào – lựa chọn sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt không phải là một cái cớ để trở nên cool hay uncool hơn so với những lựa chọn khác. Chỉ mình bạn hiểu nhu cầu của cơ thể bạn.

Cocmau không thể thay đổi thế giới một mình. Nhưng cùng với bạn, chúng mình có thể.

Còn bạn, bạn đã sẵn sàng cho một tương lai kinh nguyệt tốt đẹp hơn?


Tài liệu tham khảo


[1] Bell, Jen. “What was it like to get your period in ancient Greece?” Clue. Accessed July 1, 2022. https://helloclue.com/articles/culture/what-was-it-like-to-get-your-period-in-ancient-greece

[2] Kadir, R. A., Edlund, M., & Von Mackensen, S. (2010). The impact of menstrual disorders on quality of life in women with inherited bleeding disorders. Haemophilia: The Official Journal of the World Federation of Hemophilia, 16(5), 832–839. https://doi.org/10.1111/j.1365-2516.2010.02269.x

[3] Knight, Chris. Blood Relations: Menstruation and the Origins of Culture. Yale University Press, 1991. http://www.jstor.org/stable/j.ctt5vkr5f

[4] Michel, J., Mettler, A., Schönenberger, S., Gunz, D. (2022). Period poverty: why it should be everybody’s business. Journal of Global Health Reports 2022;6:e2022009. https://doi.org/10.29392/001c.32436

[5] Price, Beth. “Harmony and Hygiene in Menstruation in Modern China”. Lady Science. Accessed July 1, 2022. https://www.ladyscience.com/features/harmony-and-hygiene-in-menstruation-china-2021

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *