Posted on Leave a comment

Làm sao để kỳ kinh nguyệt xanh hơn?

Khi bạn đang nhăn nhó chung sống với những triệu chứng kinh nguyệt: đau bụng, đau lưng, mụn, đau nửa đầu, tâm trạng đánh võng, hẳn nhiên là bạn khó có thời gian để ý đến vấn đề sinh thái của việc thấm hút kinh nguyệt.

Kinh nguyệt không chỉ là gánh nặng cho cơ thể. Nó còn là gánh nặng cho hành tinh.

Những năm gần đây, chúng ta chú ý nhiều tới tác hại tàn phá của sản phẩm nhựa dùng một lần. Thế nhưng, sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt một lần lại ít được nhắc tới, cho dù nó nằm trong danh sách mua sắm hàng tháng của một nửa dân số thế giới.

Những kiêng kỵ xung quanh kinh nguyệt khiến chúng ta khó thảo luận về những trải nghiệm tâm sinh lý của bản thân, lẫn tác động của nó lên hành tinh duy nhất mà chúng ta có. Nhưng, ở Cocmau, không có gì là quá nhiều thông tin.

Hôm nay, chúng mình sẽ cùng lặn sâu để trả lời thoả đáng câu hỏi này: Làm sao để kinh nguyệt bớt đỏ mà trở nên xanh hơn?

Gánh nặng sinh thái của kinh nguyệt

Theo ước tính, mỗi phụ nữ sử dụng 5,000 đến 15,000 sản phẩm kinh nguyệt một lần trong suốt cuộc đời. Những chiếc băng vệ sinh, tampon và bao bì của chúng, với tỉ lệ lớn thành phần nhựa, tạo ra trung bình 136kg chất thải nhựa, từ khi bạn dậy thì tới khi mãn kinh [4]. Trong bức tranh toàn cảnh, thực sự, con số này chỉ chiếm khoảng 0.5% tổng lượng rác thải nhựa trong cuộc đời bạn [5]. Nhưng khi những lựa chọn thay thế đã tồn tại, thật khó mà hợp lý hoá lượng rác thải nhựa thừa thãi này.

Hàng năm, 45 tỉ tấn rác thải kinh nguyệt được đẩy tới các bãi xử lý. Chúng được đưa vào lò thiêu và tạo ra một lượng khí thải khổng lồ, hoặc, nếu hệ thống xử lý rác thải gặp sự cố, sẽ trôi ra sông, hồ, đại dương, dạt lên các bãi biển. Vì vậy, đừng bao giờ xả tampon và băng vệ sinh vào toilet. Chúng có thể gây tắc hệ thống xử lý nước thải, và cuối cùng những hạt nhựa li ti cấu thành cơ chế thấm hút sẽ rơi vào bụng những chú cá, chú rùa ngoài kia.

Phần chìm của tảng băng

Hậu quả sinh thái không chỉ nằm ở mỗi sản phẩm, tác hại tới môi trường phần lớn nằm ở những quá trình đằng sau nó: khai thác tài nguyên, năng lượng, xử lý nguyên liệu thô, sản xuất, đóng gói, vận chuyển và xử lý rác thải.

97% tampon trên thị trường hiện nay được làm từ rayon (nhựa không phân huỷ) hoặc cotton không organic, được trồng với thuốc trừ sâu, phá huỷ cấu tạo thành phần đất và gây ô nhiễm nguồn nước.

Băng vệ sinh có 90% thành phần là nhựa. Chúng cần 500 – 800 năm để phân huỷ hoàn toàn. Người sử dụng để lại dấu chân sinh thái vượt xa cuộc đời cô ấy [1]. Sau 32 thế hệ, sản phẩm mà cô ấy sử dụng trong vòng 6 giờ đồng hồ mới biến mất. Với 45 tỉ tấn rác kinh nguyệt mới được thải ra mỗi năm, quả thực Trái Đất mỗi ngày lại oằn lưng thêm vì quá tải.

Thế nhưng, chúng ta không thể sống mà không hành kinh hàng tháng. Làm thế nào để những nhu cầu thiết yếu không phá huỷ hành tinh?

Tái sử dụng là tương lai

Bước đầu tiên để giảm thiểu rác thải kinh nguyệt là chuyển qua sản phẩm tái sử dụng. Tiếp đó, hãy tham khảo các sản phẩm được sản xuất theo quy trình bền vững. Cùng chúng mình điểm qua:

Cốc nguyệt san

Tất nhiên là chúng mình đang thiên vị! Nhưng không thể bàn về một kỳ kinh xanh mà không nhắc đến cốc nguyệt san.

Điểm mạnh nhất của cốc nguyệt san là bạn có thể đeo tới tối đa 12 giờ (nếu dòng kinh nguyệt của bạn cho phép), gấp 3 lần tampon (tối đa 4 giờ) và gấp 2 lần băng vệ sinh (6 giờ). Bạn có thể đi bơi, tập thể thao, ngủ qua đêm, hay đi du lịch mà không cần dự trữ sản phẩm kinh nguyệt mất một nửa vali. Cocmau hoàn hảo cho cuộc sống năng động.

Một chiếc Cocmau có tuổi thọ ít nhất 5 năm, có thể bền tới 10 năm nếu bạn bảo quản và vệ sinh đúng cách. Trong 4 thập kỷ hành kinh, bạn sẽ cần khoảng 8 chiếc cốc. Tin vui là chúng đều có thể tái chế được, giúp giảm lượng rác thải kinh nguyệt của bạn về gần con số 0.

Chúng mình đã làm việc 1 năm để đưa ra thị trường chiếc cốc nguyệt san nhỏ nhắn, thân thiện hơn cho các bạn gái Việt Nam — vì chúng mình tin các bạn xứng đáng có thêm lựa chọn. Cocmau có thiết kế cuống tròn độc nhất, hỗ trợ cho việc tháo cốc bớt khó khăn, bớt trơn trượt. Và nếu bạn có khuyết tật hoặc gặp trở ngại khi di chuyển và vận động, bạn sẽ cảm nhận sự tiện lợi của chiếc cuống tròn ngay thôi.

Băng vệ sinh vải

Trở lại với lựa chọn classic mà phụ nữ đã chung sống cùng từ thuở hồng hoang. Ngày nay, chúng ta không còn phải tự may băng vệ sinh tại nhà từ vải vụn gom nhặt được, hay phải luộc chúng trong nồi để giặt sạch và khử mùi.

Bạn có thể dễ dàng mua băng vệ sinh vải online, giặt chúng trong máy giặt, phơi khô rồi sử dụng lại. Băng vệ sinh vải cố định vị trí bằng khuy bấm hoặc dây buộc, với tuổi thọ lên tới 4-5 năm.

Nhược điểm? Chúng có dung tích giới hạn, vì vậy bạn sẽ cần mang theo băng dự phòng trong ngày, chưa kể một chiếc túi để đựng miếng băng đã thấm máu kinh. Chúng hơi cồng kềnh khi đeo, không thấm hút được cục máu đông, và trong khí hậu nóng ẩm như ở Đông Nam Á, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy bạn không nên đeo chúng quá lâu.

Quần lót kinh nguyệt

Đây là lựa chọn hết sức thân thiện nếu bạn mới bước vào thế giới kinh nguyệt hay còn chưa sẵn sàng đưa vật gì đó vào âm đạo. Với dung tích lớn hơn nhiều so với băng vệ sinh, tampon và băng vải, chúng hoàn hảo để bạn mặc qua đêm, và có rất nhiều ứng dụng linh hoạt.

Chẳng hạn, nhiều bạn mới sử dụng cốc nguyệt san lần đầu tiên sẽ mặc thêm quần lót kinh nguyệt để thấm hút lượng kinh rò rỉ. Dù muốn hay không, rò rỉ đôi khi vẫn xảy ra với tất cả chúng ta. Chuẩn bị thêm kế hoạch B chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin suốt 12 giờ ở trường hoặc công ty đấy.

Số tiền đầu tư ban đầu cho quần lót kinh nguyệt khá đắt đỏ. Hãy chú ý nghiên cứu trước khi mua để đảm bảo chúng được sản xuất theo dây chuyền bền vững, không chứa PFAs (per- and polyfluoroalkoxy, một nhóm vài nghìn chất hữu cơ tổng hợp tạo tính kháng dầu và nước cho vải, nhưng độc hại cho cơ thể và môi trường), hay bất kỳ chất hoá học có hại nào khác.

Tampon không cần đẩy

Đừng quên rửa sạch tay bằng xà bông trước khi đẩy tampon vào. Khi không có cần đẩy, đúng là bạn sẽ cần chịu khó tập luyện một chút mới có thể thành thục kỹ năng đeo tampon trần. Nhưng hãy cân nhắc xem: bớt đi chiếc ống nhựa 2 lớp bên ngoài, mỗi chiếc tampon giảm đi 94% thành phần nhựa. Rất đáng phải không?

Bất chấp xã hội bảo bạn phải tin điều gì, việc chạm vào máu kinh không có gì ghê gớm cả. Dùng tay để đeo tampon hay cốc nguyệt san là việc hết sức bình thường. Và biết đâu, bạn lại tìm thấy một góc nhìn thân thiện, yêu thương hơn dành cho cơ thể mình, thông qua cử chỉ chăm sóc gần gũi đó?

Cần đẩy tampon tái sử dụng

Đúng vậy, sản phẩm này tồn tại! Bạn sẽ cần order chúng từ nước ngoài, chủ yếu từ các startup, bởi hiển nhiên, các chuỗi bán lẻ vẫn chưa đủ hào hứng với sản phẩm kinh nguyệt tái sử dụng (vòng đời sản phẩm càng ngắn, lợi nhuận càng nhiều!).

Organic tampon

Organic tampon có thể khá đắt đỏ, lại không có sẵn tại các cửa hàng. Lượng nước khổng lồ được sử dụng trong các trang trại bông là một lý do để nghi ngại về tính bền vững của organic tampon. Thế nhưng, ít nhất bạn bớt được mối lo về dư lượng chất tẩy trắng trong bông.

Hoặc đơn giản là không dùng gì cả

Nếu bạn có dòng kinh nguyệt nhẹ, bạn làm việc tại nhà, và không thấy phiền hà gì nếu quần lót bị ố một chút, thì hãy thả tự do cho kinh nguyệt đi thôi! Không cần tới sản phẩm riêng nào dành cho kinh nguyệt cả, chỉ cần bạn chịu khó giặt thêm một ít đồ.

Các lựa chọn không “xanh” giống nhau

Mặc dù đều là những lựa chọn tốt để giảm thiểu rác thải nhựa, những lựa chọn trên đây có mức độ ảnh hưởng chênh lệch nhau hàng trăm lần.

Tiến sĩ Susan Powers, Viện trưởng Viện Môi trường Bền vững tại Đại học Clarkson, Mỹ, đã dành nhiều năm để đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của các sản phẩm kinh nguyệt. Bà cân nhắc toàn bộ vòng đời của chúng, bao gồm tất cả nguyên liệu, năng lượng, quy trình liên quan tới việc xử lý nguyên liệu thô trong một sản phẩm, từ khai thác, sản xuất, sử dụng tới thải bỏ.

Bà đánh giá các tác động của chúng như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, độc hại cho con người và độc hại sinh thái. Trên mọi thước đo, cốc nguyệt san được chứng minh là tốt nhất. Xét điểm số tác động tổng thể, băng vệ sinh có số điểm tác động cao nhất, tampon có số điểm thấp hơn 40%, trong khi cốc nguyệt san thấp hơn tới 99.6% [3].

Lựa chọn trong tay bạn

Chăm sóc kinh nguyệt một cách bền vững không có nghĩa là bạn phải làm điều gì cực đoan. Những thay đổi nhỏ trong đời sống hàng ngày, khi cộng dồn lại, mang lại hiệu quả lớn lao hơn bạn nghĩ. Vì vậy, hãy thoải mái mix match những lựa chọn xanh trên đây. Chỉ mình bạn hiểu cơ thể bạn muốn gì.

Không phải ai cũng thấy dễ chịu khi đeo tampon, việc tập dùng cốc nguyệt san có thể cần thời gian tập luyện, ý tưởng mặc chiếc quần thấm đẫm máu kinh không hấp dẫn với bạn, hay việc chảy máu tự do làm bạn phát hoảng. Không sao cả! Mỗi người có nhu cầu hoàn toàn khác nhau, vì vậy không có lý do gì phải thần thánh hoá sản phẩm này so với sản phẩm khác. Lựa chọn sản phẩm kinh nguyệt không làm chúng ta cool hay kém cool hơn.

Và nếu bạn quyết định chọn chiếc cốc nhỏ mà có ảnh hưởng lớn cho cả kỳ kinh của bạn và môi trường xung quanh, Cocmau sẽ rất vui được hỗ trợ bạn!


Nguồn tham khảo

[1] Borunda, Alejandra. “How tampons and pads became so unsustainable”. National Geographic. Sep 6 2019.
[2] Notman, Nina. “Reduce single-use plastic, period”. Education in Chemistry. Mar 8 2021.
[3] Powers, Susan. “Menstrual cups are a cheaper, more sustainable way for women to cope with periods than tampons or pads”. The Conversation. Sep 15 2021.
[4] Stein, Elissa & Kim, Susan. Flow: The Cultural Story of Menstruation. St. Martin’s Griffin, November 5, 2009.
[5] “The Environmental Impact of Everyday Things”. The Chic Ecologist.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *