Hồi dậy thì, hẳn bạn đã từng băn khoăn vì sao máu kinh lại thay đổi màu sắc. Nếu đột nhiên thấy ra máu màu nâu chứ không phải đỏ thì có sao không?
Hoá ra, máu kinh nguyệt thay đổi màu sắc là bình thường, đối với cả tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành.
Dòng kinh nguyệt khoẻ mạnh sẽ thay đổi giữa các sắc độ từ đỏ tới nâu đen. Ví dụ, kỳ kinh nguyệt bắt đầu bằng máu đỏ và kết thúc bằng màu nâu. Hoặc đầu kỳ có một chút máu nâu, rồi chuyển dần thành đỏ vào những ngày sau đó.
Ngoài ra, các tình trạng sức khoẻ như rối loạn nội tiết tố, viêm nhiễm, thiếu máu,… cũng có thể ảnh hưởng tới màu của máu kinh.
Nếu quan sát màu sắc của máu kinh nguyệt, bạn có thể xác định được tình trạng sức khoẻ bên dưới sự thay đổi đó.
Hôm nay, chúng ta cùng khám phá:
- Vì sao máu kinh thay đổi màu sắc?
- Bảng màu của máu kinh nguyệt nói gì về sức khoẻ của bạn?
- Thế nào là màu của máu kinh khoẻ mạnh?
- Màu của máu kinh thế nào là báo động tình trạng sức khoẻ?
- Khi nào cần đi khám trực tiếp về tình trạng kinh nguyệt?
Vì sao máu kinh thay đổi màu sắc?
Khi phản ứng với oxy, máu kinh sẽ chuyển màu tối hơn. Máu kinh nguyệt chuyển màu phụ thuộc vào việc nó đã tiếp xúc bao lâu với không khí.
Chẳng hạn, nếu bạn bị đứt tay, máu từ vết thương có màu đỏ tươi. Nếu bạn băng bó nó lại và kiểm tra lại ngày hôm sau, bạn sẽ thấy máu đã chuyển sang màu nâu. Phần lớn lượng nước trong máu cũng đã bay hơn, càng làm cho máu sậm màu.
Càng có nhiều thời gian ở trong âm đạo và tử cung, thì máu kinh càng tiếp xúc lâu với oxy hơn và do đó càng sậm hơn. Vì vậy, bạn sẽ thấy màu của máu kinh tối hơn sẽ đi kèm với khi dòng kinh nguyệt ít.
Trái với quan niệm thông thường, máu kinh không chỉ có toàn là máu. Nó là hỗn hợp của máu, mô nội mạc tử cung, dịch nhầy cổ tử cung và dịch tiết âm đạo (còn gọi là khí hư).
Mặc dù trông có vẻ nhiều nhưng mỗi kỳ kinh, chúng ta mất không quá 80ml kinh nguyệt. Nghiên cứu cho biết lượng kinh nguyệt trung bình trong toàn bộ kỳ kinh là 45ml. Trong khi đó, cốc nguyệt san Cocmau chứa được 24ml cho mỗi lần sử dụng liên tục 12 giờ.
Máu kinh nguyệt khoẻ mạnh có màu gì?
Bạn sẽ thấy máu kinh có các sắc hồng, đỏ và nâu. Mỗi sắc này có ý nghĩa khác nhau:
Hồng
Máu hồng thường xuất hiện vào đầu kỳ kinh. Một chút máu tươi hoà lẫn với dịch tiết âm đạo, làm màu nhạt đi thành hồng. Dịch âm đạo là hỗn hợp của chất lỏng và tế bào chết, được âm đạo đào thải ra để giữ cho mô thành âm đạo khoẻ mạnh, ẩm, phòng ngừa viêm nhiễm, nấm ngứa. Nếu bạn vốn có cơ địa ít kinh, thì dịch kinh nguyệt, khi đã thoát ra ngoài, cũng hay thiên về màu hồng.
Đỏ tươi
Đây là tử cung đang tích cực co bóp để đẩy máu kinh ra ngoài. Máu kinh đỏ tươi nghĩa là dòng kinh nguyệt đang mạnh nhất, không bị ứ đọng lâu trong tử cung.
Đỏ sậm
Máu kinh đỏ sậm nghĩa là nó đang thong thả và dành nhiều thời gian hơn để đi qua âm đạo. Màu đỏ sậm hay đi kèm với máu kinh vón cục. Máu kinh vón cục cũng là hiện tượng bình thường, trừ khi kích thước lớn hơn quả nho.
Nâu hoặc đen
Dòng máu kinh đã mất nhiều thời gian hơn cả để thoát ra ngoài. Nó có nhiều thời gian để phản ứng với oxy nhất, nên chuyển từ đỏ sang đỏ nâu, nâu hoặc cuối cùng là đen.
Máu kinh nguyệt thế nào là dấu hiệu báo động sức khoẻ?
Đen
Máu kinh màu đen thường xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn có máu kinh màu đen vào đầu kỳ kinh nguyệt – đây là máu kinh đã rất, rất cũ. Máu kinh màu đen đôi khi báo hiệu có sự ứ tắc bên trong âm đạo. Dấu hiệu của ứ tắc âm đạo là: khí hư mùi hôi tanh, sốt, khó tiểu, ngứa rát hoặc sưng tấy xung quanh âm đạo.
Hồng
Nếu dòng kinh nguyệt của bạn màu hồng, đó có thể là dấu hiệu của:
- Sút cân đáng kể
- Thiếu dinh dưỡng
- Thiếu máu
Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết có thể làm sụt đi mức độ estrogen của cơ thể, dẫn tới dòng kinh nguyệt nhẹ hơn, hồng hơn.
Ngoài ra, nếu bạn sẽ thấy chút máu hồng ngoài kỳ kinh nguyệt thì tất nhiên đó không phải là máu kinh. Đôi khi, quan hệ tình dục gây nên những vết xước nhỏ trên thành âm đạo hoặc tử cung. Máu chảy ra từ những vết xước nhỏ này hoà với dịch âm đạo, tạo nên khí hư màu hồng.
Hiện tượng rụng trứng, xảy ra khoảng giữa chu kỳ của bạn, cũng có thể tạo nên chút khí hư màu hồng.
Cam
Máu kinh hoà với dịch nhầy cổ tử cung, đôi khi cũng tạo thành màu cam.
Máu cam, hoặc khí hư màu cam, thường báo động tình trạng viêm nhiễm, chẳng hạn như bacterial vaginosis hoặc trichomoniasis (trich).
Nếu ra máu cam, bạn nên check ngay những dấu hiệu điển hình khác như: ngứa rát âm đạo, mùi hôi tanh.
Mặc dù máu cam không phải lúc nào cũng đi liền với viêm nhiễm, nhưng bạn nên check với bác sĩ để được đánh giá sức khoẻ trực tiếp.
Xám
Khí hư xám thường là dấu hiệu viêm âm đạo bacterial vaginosis. Đây là tình trạng khi những vi khuẩn có hại trong âm đạo áp đảo những vi khuẩn có lợi. Những dấu hiệu khác của viêm âm đạo là: ngứa rát trong và xung quanh âm đạo, khí hư mùi hôi tanh, đau rát khi đi tiểu.
Viêm âm đạo là hiện tượng rất phổ biến và có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh. Vì vậy đừng ngại ngần chia sẻ với bác sĩ nếu bạn thấy có dấu hiệu.
Khi nào cần tham khảo ý kiến bác sĩ?
Hãy đặt hẹn khám trực tiếp với bác sĩ sản-phụ khoa nếu bạn thấy một trong các dấu hiệu:
- Kỳ hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
- Cần thay băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san trong vòng 1-2 giờ sử dụng
- Đau bụng kinh dữ dội, bất thường
- Choáng váng, kiệt sức, buồn nôn
- Đau tức ngực, khó thở khi đến kỳ
- Máu kinh vón cục với kích thước lớn hơn quả nho
- Xuất huyết ngoài kỳ hành kinh
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày
- Vắng kinh trong 3 tháng mà đang không mang thai hoặc cho con bú
- Kinh nguyệt đang đều đặn bỗng nhiên thất thường
- Chưa có kinh ở tuổi 15
- Vẫn xuất huyết khi đã chính thức mãn kinh
- Dịch tiết âm đạo trông khác thường hoặc có mùi tanh khó chịu
- Bị sốt cao khi đến kỳ
- Bị nôn nao, buồn nôn khi đến kỳ
- Sút cân đột ngột không rõ lý do
- Đau hông chậu, đau đùi và lưng dưới ngoài kỳ kinh nguyệt
Tổng kết
Màu sắc, kết cấu của máu kinh nguyệt cho bạn những insight quý giá về sức khoẻ phụ khoa và sức khoẻ tổng quát.
Màu của máu kinh nguyệt khoẻ mạnh có màu đỏ, đỏ nâu, nâu hoặc đen. Máu kinh hoặc khí hư có màu cam hoặc xám có thể là dấu hiệu viêm nhiễm.
Mỗi cơ thể, mỗi chu kỳ là độc nhất. Màu của máu kinh nguyệt có thể thay đổi từ tháng này qua tháng khác.
Vì vậy, hãy làm quen thế nào là bình thường với cơ thể bạn. Giữ nhật ký kinh nguyệt, bằng ứng dụng điện thoại, là cách để bác sĩ nhanh chóng có được đánh giá tổng thể về chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Nguồn
Davis, T. (2023, May 29). What does menstrual blood look like? Verywell Health. https://www.verywellhealth.com/what-does-menstrual-blood-look-like-2721937
Eske, J. (2019, February 25). Everything you need to know about the menstrual cycle. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324848
Wade, K. (2021, October 28). What’s a normal period volume and heaviness? Clue. https://helloclue.com/articles/cycle-a-z/what’s-normal-period-volume-and-heaviness
Leave a Reply