Posted on Leave a comment

Mọi điều bạn cần biết về cốc nguyệt san

Mọi điều bạn cần biết về cốc nguyệt san

Nếu bạn đang đọc bài viết này, hẳn bạn đã nghe thấy một người phụ nữ trong đời bạn nói về cốc nguyệt san với sự hứng thú, nhiệt tình đến mức gần như tôn thờ. Okay… bạn cảm thấy bị thuyết phục rồi đấy. Nhưng thông tin về cốc nguyệt san rải rác ở nhiều nơi và thậm chí còn mâu thuẫn với nhau, bạn nên bắt đầu từ đâu đây? Trong bài viết này, Cocmau trả lời mọi câu hỏi về cốc nguyệt san, và kể cả những điều không ai khác nói với bạn. Bắt đầu thôi!

Cốc nguyệt san là gì?

Cốc nguyệt san, hay cốc kinh nguyệt, làm đúng công việc như cái tên của nó. Đó là một chiếc cốc mềm dẻo linh hoạt, được đặt bên trong âm đạo để hứng trọn dòng kinh nguyệt của bạn. Cốc thường được làm bằng silicone cấp y tế hoặc cao su, với cả loại tái sử dụng lẫn loại sử dụng một lần. Cocmau được làm từ silicone cấp y tế đã vượt qua bài test Tương thích Sinh học ISO 10993, được sử dụng để sản xuất các thiết bị cấy ghép đặt trong cơ thể người, và vì vậy có thể tái sử dụng tới hàng chục năm.

Ok… Làm sao mình đút cái này vào đây?

Rửa sạch tay. Chọn tư thế thoải mái. Các bạn người dùng Cocmau thường thích đứng và gác một chân lên cao, hoặc ngồi xổm. Khi bạn gập cốc, chiếc cốc sẽ thu nhỏ lại bằng thỏi son để bạn đưa vào dễ dàng. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm với cốc, xem video hướng dẫn, bạn sẽ thấy thao tác này cũng không khó lắm đâu!

Bạn sẽ biết là cốc đã nằm đúng vị trí, kích thước vừa vặn với cơ thể khi bạn không có cảm giác cộm hay áp lực từ cốc, không có hiện tượng rò rỉ, và khi bạn tháo cốc, kinh nguyệt không quá đầy. Nếu bạn tháo cốc và thấy kinh nguyệt đã đầy đến miệng, bạn sẽ cần tháo cốc thường xuyên hơn một chút.

Mình nên trông đợi điều gì cho lần đầu dùng cốc?

Hãy chuẩn bị tinh thần cho lần đầu có thể chưa thành công ngay. Cũng giống mọi kỹ năng khác như đạp xe hay chơi một bản nhạc, bạn sẽ cần chút thời gian để cơ thể hình thành trí nhớ cơ bắp. Nếu chưa đưa được cốc vào ngay, bạn chỉ cần gập cốc theo một cách khác, và thong thả thử lại sau vài ngày.

Rò rỉ không phải là hiện tượng hiếm gặp trong vài kỳ kinh đầu, khi bạn làm quen với cấu tạo cơ thể độc nhất của mình dưới đó. Vì vậy, hãy lót bằng chiếc băng vệ sinh hàng ngày hoặc băng vệ sinh vải, cho tới khi bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin.

Tips cho lần đầu dùng cốc nguyệt san

Đây là kỹ năng mà bạn chỉ cần học duy nhất một lần trong đời, và chỉ sau một vài kỳ kinh bạn sẽ trở thành chuyên gia cốc nguyệt san để bạn bè tham vấn cho mà xem. Vì sao lại đáng bỏ công sức ra để học ư? Đó là bởi vì…

Vì sao mình lại muốn dùng cốc nguyệt san?

Không chỉ tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi năm, bạn còn giảm thiểu từ 10,000 đến 15,000 sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt một lần – tương đương 150kg rác thải nhựa trong suốt cuộc đời. Không có gì đáng nghi ngờ về ích lợi sinh thái và kinh tế của cốc nguyệt san. Thế nhưng, sẽ thật khó để giải cứu môi trường nếu như bạn không thấy thoải mái khi sử dụng một sản phẩm nào đó. Đây là lý do khiến cho cốc nguyệt san hoàn toàn nổi bật: cảm giác “có kinh như không có kinh” mà bạn bè đồn đại là có thật đấy!

Làm từ silicone y tế mềm dẻo, Cocmau sẽ vận động cùng cơ thể bạn, kể cả khi bạn vặn người trong một tư thế yoga cực khó, lộn ngược người khi pole dancing, thảnh thơi thư giãn trong bể bơi, tập các môn sử dụng nhiều cơ sàn chậu như pilates, hay đơn giản là nằm dài nghỉ ngơi. Ồ không, kinh nguyệt sẽ không chảy ngược vào trong, kể cả khi bạn đứng bằng tay đâu!

Khi nói đến cốc nguyệt san, kích thước quan trọng đấy!

Không có chiếc cốc hoàn hảo, chỉ có chiếc cốc hoàn hảo cho cơ thể bạn. Một trong những yếu tố quan trọng nhất bạn cần cân nhắc khi lựa mua cốc nguyệt san là độ cao của cổ tử cung tính từ cửa mình. Nếu chiếc cốc quá dài, miệng cốc vượt qua cổ tử cung hoặc bị thừa ra ngoài, cốc sẽ không thể làm tròn nhiệm vụ hứng kinh nguyệt do cổ tử cung đẩy ra.

Cách tìm (và cảm nhận) cổ tử cung của bạn

Một vài yếu tố khác để cân nhắc: mức độ vận động, sức khoẻ cơ sàn chậu, và lượng kinh nguyệt của bạn. Sinh nở có thể ảnh hưởng tới cấu trúc cơ thể, nhưng không phải ai cũng gặp những biến đổi giống nhau. Hãy trò chuyện với hãng cốc của bạn để được tư vấn chính xác hơn!

Nhỡ cốc bị kẹt hay biến mất trong âm đạo?

Không thể, bởi vì… không có chỗ nào để cốc tụt vào sâu hơn. Âm đạo không phải là một cái hang tối đen vô tận nuốt chửng mọi thứ vào trong mãi mãi. Cổ tử cung chặn ở cuối âm đạo như một ngõ cụt, và chiếc ngõ cụt này chỉ dài 7-12cm (2, 3, 4). Nếu bạn chưa tháo được cốc ngay, chiếc cốc chỉ dịch lên cao một chút cho phù hợp với vị trí cổ tử cung của bạn. Hãy thả lỏng, thở sâu, đừng gượng ép, và thử lại sau khoảng 30 phút.

Cách tháo cốc nguyệt san

Liệu kinh nguyệt có tràn hoặc rò rỉ?

Chỉ khi cốc chưa được đặt vào đúng cách. Hai nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cốc rò rỉ là do miệng cốc chưa mở ra được hết, hoặc cốc được đẩy vượt quá cổ tử cung, và do đó không hứng được trọn dòng kinh nguyệt do cổ tử cung đẩy ra. Rất may là nguyên nhân nào cũng sẽ có cách giải quyết.

Trước hết, hãy thử xác định vị trí của cổ tử cung. Khi đưa cốc vào, bạn hãy lựa sao cho cốc mở ra bên dưới cổ tử cung của bạn. Hãy đảm bảo miệng cốc bung mở ra được tròn trịa, thử các cách gập cốc khác nhau, và luôn hướng cốc về phía xương cụt thay vì đẩy thẳng lên trên.

9 nguyên nhân cốc nguyệt san rò rỉ và cách khắc phục

Làm sao để tháo cốc?

Cốc nguyệt san thường có cuống với các hình dạng khác nhau. Với Cocmau, chiếc cuống tròn giúp bạn dễ với lấy cốc, chống trơn trượt khi mọi thứ bên trong vừa trơn vừa ẩm. Hãy cầm lấy cuống, lắc nhẹ cốc qua hai bên để đưa cốc xuống thấp. Sau đó, bóp vào bầu cốc để giải phóng lực bám của cốc, và… voilà! Bạn đã lấy được cốc ra.

Mình có thể đeo cốc bao lâu?

Cốc nguyệt san có sức chứa bằng 3 tampon siêu thấm hút, vì vậy bạn có thể đeo cốc tới tối đa 12 giờ. Điều đó có nghĩa là bạn có thể ngủ qua đêm, đi hiking, thăm thú một thành phố mới, hay duyên dáng đón nhận cả một ngày làm việc bận rộn mà không cần lo lắng về kinh nguyệt. Khi cốc đã đầy, bạn tháo cốc, rửa cốc bằng nước lạnh và dung dịch vệ sinh (hoặc xà bông loại dịu nhẹ, ít hương liệu mùi), rồi đưa cốc vào sử dụng tiếp.

Làm sao để vệ sinh cốc? Và mình phải làm gì với cốc khi ở nhà vệ sinh công cộng?

Tất nhiên, đôi khi chúng ta sẽ gặp tình huống cần đổ sạch kinh nguyệt khỏi cốc khi không ở trong căn nhà an toàn, ấm cúng của riêng mình. Bạn chỉ cần mang theo một chai nước để xả sạch cốc, hoặc dùng giấy ướt lau cốc rồi đeo lại. Đơn giản hơn nữa, nhiều bạn thích đeo cốc lại rồi dùng giấy vệ sinh lau bên ngoài âm môn. Máu kinh của bạn sẽ không có hại gì cho cơ thể bạn đâu!

Khi về nhà, trong vòng 12 giờ, bạn hãy tháo cốc và rửa lại bằng dung dịch vệ sinh. Mỗi tháng một lần, vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, bạn khử trùng cốc bằng nước sôi, viên tiệt trùng, hoặc cồn y tế 70 độ. Hãy để cốc khô ráo, rồi cất trong túi bảo quản bằng vải khô thoáng cho tới kỳ kinh tiếp theo.

Sốc nhiễm độc (TSS) là gì? Liệu cốc nguyệt san có gây ra hội chứng này?

Sốc nhiễm độc (Toxic Shock Syndrome) là một hội chứng nhiễm trùng do vi khuẩn vô cùng hiếm gặp. TSS thường có liên quan tới tampon, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào có liên kết tới cốc nguyệt san. Thực tế là một nửa số người gặp TSS là đàn ông – những người không sử dụng cả tampon lẫn cốc nguyệt san, và khả năng bạn bị sét đánh còn cao hơn khả năng bạn gặp TSS (5).

Tuy nhiên, cũng giống như khi trời mưa, bạn tìm nơi trú ẩn để giảm thiểu khả năng bị sét đánh, với cốc nguyệt san cũng như vậy! Hãy luôn rửa tay bằng xà bông trước khi bạn thao tác với cốc. Thời gian sử dụng cốc liên tục tối đa là 12 giờ, và đừng quên khử trùng cốc mỗi tháng một lần bằng nước sôi. Bằng việc vệ sinh cốc đúng cách, khả năng bạn gặp TSS là gần như bằng không.

Làm sao để loại bỏ mùi hoặc màu kinh nguyệt trên cốc?

Không ai thích chiếc cốc cứu tinh của mình bị ngả vàng hay ám mùi kinh nguyệt. Điều này sẽ khó tránh khỏi nếu thành phần kinh nguyệt của bạn giàu sắt. Thế nhưng, luôn có cách hạn chế và giải quyết tình trạng này!

Nếu cốc của bạn có mùi kinh nguyệt: bạn sẽ cần tháo cốc thường xuyên hơn một chút. Hãy luôn rửa cốc bằng nước lạnh, bởi combo nước nóng + kinh nguyệt dễ để lại cặn màu trên cốc hơn.

Để loại bỏ hoàn toàn màu hoặc mùi kinh nguyệt trên cốc, bạn hãy ngâm cốc trong dung dịch với tỉ lệ 1 nước : 1 oxy già (mua online hoặc tại nhà thuốc) trong vòng 3 giờ, rồi xả lại với nước sạch. Nếu không có oxy già, bạn có thể thay thể bằng nước cốt chanh. Một số bạn cũng thích phơi cốc trong ánh nắng trực tiếp sau khi kỳ kinh kết thúc, bởi tia UV là tác nhân tẩy màu và mùi tự nhiên cực hữu hiệu.

Mình có thể đeo cốc khi…

  • Đi bơi? Tất nhiên là có. Lực đẩy của nước sẽ tạm dừng dòng kinh nguyệt. Đồng thời, không có sợi dây hay chiếc cánh nào thừa ra khi bạn đeo cốc – không có gì cản trở bạn diện bộ đồ bơi khoẻ khoắn!
  • Đi ngủ? Có chứ. Kinh nguyệt sẽ không tràn ra ngoài khi bạn nằm xuống, hay thậm chí khi đứng bằng tay. Đó là nhờ giác hút kì diệu giúp cố định cốc với thành âm đạo.
  • Quan hệ tình dục? Không đâu, bạn hãy tháo cốc trước khi quan hệ tình dục xâm nhập nhé. Thế nhưng, sex đâu chỉ có xâm nhập phải không? 😉
  • Đang đặt vòng tránh thai? Có. Bạn có thể nhờ bác sĩ cắt ngắn dây của vòng tránh thai trước khi đeo cốc, và nên chờ 3-6 tuần sau khi đặt vòng để đảm bảo cơ thể không tự động đào thải vòng tránh thai.
  • Không có kinh? Có! Nếu bạn quyết định làm quen với cốc trước kỳ kinh, bạn đang cho bản thân một ân huệ, bởi vì… không có máu kinh. Khi ngày trọng đại đến, bạn sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Một số bạn cũng thích đeo cốc vào ngày ra nhiều khí hư – chẳng hạn trong thời gian rụng trứng. Đeo cốc thoải mái như vậy đấy!

Liệu chúng mình đã có câu trả lời cho trí tò mò của bạn? Hãy để lại comment dưới đây, nếu bạn vẫn còn bất kỳ băn khoăn nào nhé!


Nguồn tham khảo

  1. Cocmau Official. “Cốc nguyệt san Cocmau – Hướng dẫn sử dụng”. Youtube video, 4:44. Mar 26, 2021. https://youtu.be/Q5ib_8dNeas
  2. Barnhart KT, Izquierdo A, Pretorius ES, Shera DM, Shabbout M, Shaunik A. Baseline dimensions of the human vagina. Hum Reprod. 2006 Jun;21(6):1618-22.
  3. Anatomy: pelvic viscera. In: Hoffman BL, Schorge JO, Schaffer JI, Halvorson LM, Bradshaw KD, Cunningham FG. Williams Gynecology. 2nd edition. New York: McGraw Hill Medical; 2012. p.928-937.
  4. Farage M, Maibach H. Lifetime changes in the vulva and vagina. Arch Gynecol Obstet. 2006 Jan;273(4):195-202.
  5. Tampax. “What Everyone Should Know About Toxic Shock Syndrome (TSS) | Tampax and Girlology”. Youtube video, 2:06. May 16, 2020. https://youtu.be/cB8liC197Xc
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *