Posted on Leave a comment

Kinh nghiệm mua cốc nguyệt san | Làm sao để chọn cốc đúng cho cơ thể bạn?

Cốc nguyệt san Cocmau màu bạc hà, thiết kế cho cơ địa phụ nữ Việt Nam, dung tích 21ml

Với muôn vàn kiểu dáng, kích thước và giá cả trên thị trường, làm sao để chọn mua cốc nguyệt san đúng cho cơ thể bạn?

Cốc nguyệt san tái sử dụng được đặt bên trong âm đạo, bên dưới cổ tử cung để hứng dòng kinh nguyệt. Cốc hoạt động bằng cách tạo ra giác hút với thành âm đạo để cố định vị trí và chống tràn. Khi cốc vừa vặn và nằm đúng vị trí, bạn sẽ không gặp tình trạng rò rỉ và cũng không cảm thấy sự có mặt của chiếc cốc.

Để tìm cốc nguyệt san phù hợp, hãy xác định là bạn cần có chút thời gian cho thử-và-sai. Giá một chiếc cốc nguyệt san cũng không phải là rẻ. Vì vậy hãy cân nhắc các yếu tố về thiết kế của cốc và cơ địa của bạn trước. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc so với việc mua đại một (vài) chiếc cốc đấy!

Cốc nguyệt san được chia size như thế nào?

Trước hết bạn cần hiểu cách mà các hãng cốc nguyệt san phân chia size cốc của họ. Không có tiêu chuẩn chung nào cho size cốc nguyệt san. Size cốc có thể được đánh số (như 1, 2), bằng chữ cái (A, B), hoặc bằng kích thước (Nhỏ, Trung Bình, Lớn). Nhìn chung là chúng thường có một cốc kích thước lớn, một cốc kích thước nhỏ.

Các hãng cốc thường quy định kích thước lớn dành cho người đã sinh thường VÀ/HOẶC trên 30 tuổi. Tương tự, kích thước nhỏ thường dành cho người chưa sinh thường VÀ/HOẶC dưới 30 tuổi.

Nhưng size nhỏ của hãng này có thể bằng size lớn của hãng khác. Cốc của hãng này có khi lại dài gấp rưỡi cốc của hãng kia, dù có cùng đường kính miệng. Cấu tạo chi tiết của chúng (như vành, cuống) đa dạng đủ chủng loại. Và cốc này có thể mềm hoặc cứng hơn cốc kia.

Khi tương tác với cấu tạo cơ thể của riêng mỗi người, chúng có thể hoạt động đúng như kỳ vọng, hoặc là không. Có thể bạn đã sinh thường, nhưng cổ tử cung của bạn quá thấp, chỉ có thể dùng được size nhỏ. Hoặc ngược lại, bạn chưa sinh thường nhưng cổ tử cung cao, nên cần đến chiếc cốc lớn và dài hơn.

Vì thế, bảng size cốc nguyệt san của các hãng cốc chỉ là để tham khảo, không phải là quy định. Để chọn đúng cốc cho cơ thể bạn, mấu chốt là hãy xét xem các yếu tố của chiếc cốc nguyệt san có đáp ứng cơ địa và sở thích của bạn hay không.

1. Dung tích cốc nguyệt san

Với cốc nguyệt san, hãy luôn ưu tiên sự vừa vặn hơn là dung tích lớn. Cho dù cốc chứa được nhiều kinh nguyệt nhưng nếu không thoải mái khi đeo, bạn cũng chẳng thể sử dụng nó được lâu.

Lượng kinh nguyệt thực tế không lớn như bạn hình dung. Trung bình trong toàn bộ kỳ kinh, bạn mất từ 30-72 ml kinh nguyệt, tức là bằng 2-3 muỗng canh. Cốc nguyệt san Cocmau chứa được 21 ml. Bạn có thể đeo cốc liên tục trong khoảng 6 đến tối đa 12 giờ, tuỳ vào lượng kinh nguyệt từng ngày của kỳ kinh.

Với dung tích đó, cốc nguyệt san Cocmau phù hợp cho bạn ngủ qua đêm, tập thể thao hay đi du lịch. Nếu cuộc sống yêu cầu bạn di chuyển nhiều thì đeo cốc sẽ rất tiện lợi, vì chỉ cần tháo cốc khoảng 2-3 lần/ngày.

Trong trường hợp bạn có lượng kinh nguyệt lớn, sử dụng cốc nguyệt san vẫn tiện lợi hơn. Dung tích của Cocmau gấp đôi băng vệ sinh (10 ml), gấp 4 lần tampon (5 ml). Thế nên số lần bạn cần ghé nhà vệ sinh vẫn ít hơn nhiều.

2. Độ cao cổ tử cung

Đo độ cao cổ tử cung giúp bạn lựa chọn cốc nguyệt san đúng size, phù hợp với cơ địa, chống rò rỉ.

Cổ tử cung là bộ phận nằm ở cuối âm đạo. Thông qua một lỗ nhỏ xíu trên cổ tử cung, máu kinh thoát ra, vào âm đạo rồi được cốc hứng lại.

Để dễ hình dung, bạn hãy xem trần âm đạo là cái trần nhà, cổ tử cung là chiếc đèn chùm treo trên trần. Khi bạn đeo cốc nguyệt san, chiếc cốc có xu hướng dịch lên cao dần về phía cổ tử cung. Miệng cốc tạo giác bám với thành âm đạo, bao quanh hoặc ngay bên dưới cổ tử cung.

Bạn sẽ không muốn chiếc cốc quá dài và vượt qua cái đèn chùm treo trên trần. Nếu vậy, toàn bộ dòng kinh nguyệt sẽ rớt ra ngoài cốc. Hoặc đuôi cốc sẽ thừa ra ở phía dưới và cọ vào cửa mình của bạn – cảm giác cồm cộm này không dễ chịu lắm đâu.

Nếu trần nhà quá cao, chiếc cốc có xu hướng dịch dần lên theo trong khi bạn vận động, hoặc khi ngủ say và thư giãn hoàn toàn cơ sàn chậu. Mỗi khi tháo cốc, bạn sẽ phải với tay sâu vào trong, hoặc rặn vài lần để cốc tụt ra. Miệng cốc quá xa cổ tử cung cũng có thể là nguyên nhân rò rỉ. Thế nên bạn cũng không muốn chiếc cốc quá ngắn so với độ sâu của âm đạo.

Để tránh các tình huống trên, hãy tìm vị trí cổ tử cung trong âm đạo, rồi so sánh nó với chiều dài của chiếc cốc. Bạn nên check vị trí cổ tử cung vào ngày bạn ra nhiều kinh nguyệt nhất (thường là ngày đầu hoặc ngày thứ hai của kỳ kinh). Bởi vì vào thời điểm này trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung thường hạ xuống vị trí thấp nhất.

Check out hướng dẫn về cổ tử cung trong video dưới đây. Hoặc đọc tiếp bên dưới video nếu bạn là người thích đọc.

@cocmau

Replying to @HẠC SA Cốc nguyệt san không nên làm bạn thấy đau hay khó chịu khi đeo. Nếu có, đó là dấu hiệu cốc chưa phù hợp với cấu tạo cơ thể của bạn. Vị trí cổ tử cung là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thoải mái khi đeo cốc (và cả khả năng chống tràn!). Thế nên hãy thử tìm cổ tử cung để lựa cốc đúng cho cơ thể bạn nhé! 💖 #cocmau #cocnguyetsan #menstrualcup #anatomy #menstrualhealth #periodhacks #periodproblems #fyp

♬ original sound – Cốc nguyệt san Cocmau – Cốc nguyệt san Cocmau

Cách đo độ cao cổ tử cung (tính từ cửa mình)

  • Bước 1: Ngồi xổm, từ từ đưa ngón tay vào âm đạo, với lên cao tới khi chạm cổ tử cung. Cảm giác như chạm vào mô thịt tròn, mềm như chóp mũi.
  • Bước 2: Đánh dấu phần ngón tay cần đưa vào trong để chạm được cổ tử cung.
  • Bước 3: Dùng thước đo phần ngón tay này, lấy số đo chính xác đến mi-li-mét.

Cổ tử cung của bạn ở vị trí:

  • Dưới 4.5 cm: Cổ tử cung thấp
  • Từ 4.5 – 8 cm: Cổ tử cung trung bình
  • Trên 8 cm: Cổ tử cung cao

Cốc nguyệt san cải tiến Cocmau được thiết kế cho vị trí cổ tử cung trung bình của phụ nữ Á Châu. Nếu cổ tử cung của bạn nằm trong khoảng độ cao từ 4.5 – 8 cm, bạn sẽ là ứng cử viên lý tưởng để sử dụng Cocmau.

Với cổ tử cung thấp hơn 4.5 cm, bạn nên cân nhắc các loại cốc dành riêng cho cổ tử cung thấp. Hoặc bạn có thể dùng Cocmau nhưng nên lộn trái chiếc cốc từ trong ra ngoài, để thu ngắn chiều dài của cốc.

Với cổ tử cung cao trên 8 cm, hãy cân nhắc các loại cốc dành riêng cho cổ tử cung cao.

3. Độ cứng cốc nguyệt san

Cơ sàn chậu nâng đỡ âm đạo và các nội tạng vùng bụng dưới. Nó tạo lực ôm giúp thành âm đạo khít quanh cốc nguyệt san, giữ cốc cố định và chống tràn. Đó là cơ mà bạn sử dụng để ngừng dòng nước tiểu giữa chừng.

Quy luật là: Cốc nguyệt san cứng phù hợp với cơ sàn chậu khoẻ, cốc nguyệt san mềm phù hợp với cơ sàn chậu yếu hơn.

Cường độ vận động càng lớn càng đi đôi với cơ sàn chậu chắc khoẻ. Bạn cũng sẽ không muốn khi vận dụng cơ sàn chậu, nó bóp chặt cốc nguyệt san, làm cốc móp vào gây ra rò rỉ. Nếu bạn tập thể thao, di chuyển, hay vận động nhiều thì nên ưu tiên các loại cốc cứng hơn.

Nếu bạn đã từng sinh thường nhiều lần, hoặc trên 35 tuổi – hai yếu tố này ảnh hưởng đến sức khoẻ cơ sàn chậu – hãy ưu tiên các loại cốc mềm hơn.

Nếu khi đeo cốc nguyệt san, bạn thấy khó đi tiểu, hoặc phải tháo cốc mới xả sạch được bàng quang – hãy chuyển qua loại cốc mềm hơn.

Cốc nguyệt san Cocmau thuộc độ cứng trung bình. Vành cốc được gia cố ẩn vào trong để tạo giác bám chắc chắn, hạn chế khả năng bị bóp méo khi vận động. Thân cốc mỏng đủ mềm mại để bạn hoàn toàn không cảm thấy áp lực khi đeo. Voilà – bạn đã có được lợi thế của cả cốc cứng lẫn cốc mềm!

4. Màu sắc cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san Cocmau dung tích 21ml, một size dành cho phụ nữ Việt Nam. Cocmau trong bảng màu pastel đục, giúp cốc nguyệt san đỡ bị ố vàng.
Bộ sưu tập Cocmau trong bảng màu pastel, với khả năng kháng màu ố vàng của kinh nguyệt lâu hơn.

Máu kinh nguyệt có chứa thành phần sắt. Cho dù bạn vệ sinh kỹ đến mấy thì phân tử sắt vẫn có khả năng bám lại trên cốc nguyệt san, khiến chiếc cốc ngả vàng theo thời gian.

Cốc nguyệt san ố vàng là hiện tượng bình thường. Việc này sẽ xảy ra sớm hay muộn tuỳ vào cơ địa thành phần máu kinh. Bạn không cần phải thay cốc mới khi chiếc cốc của bạn ngả vàng nhưng nó có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Bạn có thể vệ sinh sâu để giúp cốc nguyệt san hết ố vàng.

Các loại cốc nguyệt san trong suốt sẽ lộ rõ màu ố vàng sớm nên cần phải vệ sinh nhiều hơn. Cốc nguyệt san màu đục sẽ giấu màu ngả vàng tốt hơn, ít khi cần đến deep clean.

Tham khảo Bộ sưu tập Cocmau Pastel. Không chỉ hạn chế ngả vàng theo màu kinh nguyệt, một chiếc Cocmau trong gam màu pastel xinh xinh cũng sẽ giúp tuần kinh nguyệt của bạn dịu dàng hơn, đúng không?

5. Chất liệu cốc nguyệt san

Ba chất liệu cốc nguyệt san phổ biến là:

  • TPE (thermoplastic elastomer hay còn gọi là nhựa dẻo nhiệt, đến từ dầu mỏ)
  • Cao su (từ nhựa cây cao su)
  • Silicone (từ silica, nguyên tố dồi dào thứ 2 trên Trái Đất, thành phần chính của cát biển)

Dù những chiếc cốc nguyệt san đầu tiên được làm bằng cao su, nguyên liệu này nhanh chóng bị thất sủng. Nguyên nhân số một là có nhiều người dùng bị dị ứng với cao su. Đồng thời cao su dễ bám bẩn bởi máu kinh nguyệt và rất khó khử trùng bằng nhiệt. Hiện nay trên thế giới còn rất ít hãng cốc sử dụng chất liệu cao su.

Nhựa TPE là chất liệu phổ biến thứ nhì, với lợi thế là có thể tái chế được. Nhưng TPE cũng có thể phân rã thành hạt vi nhựa và lẫn vào môi trường xung quanh, nếu không được xử lý tái chế đúng cách. Những chiếc cốc nguyệt san làm bằng TPE thường có vẻ cứng hơn cốc làm bằng silicone. TPE mềm ra khi tăng nhiệt độ. Khi sử dụng cốc nguyệt san bằng TPE, nó sẽ ấm lên theo nhiệt độ cơ thể và “bắt khuôn” theo hình dáng âm đạo. Sau một thời gian sử dụng, bạn sẽ thấy miệng cốc TPE thuôn hình bầu dục chứ không tròn xoe như khi mới mua.

Ngày nay, hầu hết cốc nguyệt san được làm bằng silicone. Là vật liệu trơ về mặt sinh học, nó không gây kích ứng như cao su và có khả năng chịu nhiệt cực tốt. Bạn có thể dễ dàng khử trùng cốc nguyệt san silicone bằng nhiệt. Silicone không phân rã như nhựa TPE nên độ bền cao hơn. Vật liệu này bền bỉ đến mức hầu như mọi người làm mất cốc nguyệt san trước khi nhìn thấy nó bị hư hại.

Cốc nguyệt san Cocmau được sản xuất từ silicone cấp y tế theo tiêu chuẩn Tương thích Sinh học ISO 10993. Nguồn nguyên liệu chất lượng cao nhất cho phép Cocmau có: 1) tuổi thọ cao, 2) màu sắc đẹp, 3) dễ vệ sinh khử trùng, và 4) an toàn với mọi cơ thể.

6. Cuống cốc nguyệt san

Vấn đề cuống cốc phụ thuộc nhiều vào sở thích và kinh nghiệm dùng cốc nguyệt san của bạn.

Một lưu ý quan trọng: bạn không bao giờ nên kéo cuống cốc nguyệt san để trực tiếp lấy nó ra. Cuống cốc nguyệt san sinh ra là để bạn dễ xác định vị trí cốc, hỗ trợ kéo dịch nó xuống thấp dần theo đường zig zag. Dù cuống cốc nguyệt san có hình dạng nào, bạn cũng cần bóp vào bầu cốc để giải phóng giác hút của cốc trước khi lấy nó ra khỏi cơ thể.

Các loại cuống cốc phổ biến là:

  • Cuống dài như sợi dây
  • Cuống ngắn cứng
  • Cuống vòng tròn như chiếc nhẫn
  • Không cuống

Cốc nguyệt san có cuống dài có thể thừa ra ngoài khi bạn đeo cốc. Một số bạn thấy bị cấn bởi chiếc cuống này nên sẽ cắt ngắn nó đi. Một khi đã cắt, nó có thể để lại gờ nhọn cà vào thành âm đạo rất khó chịu. Vì vậy hãy dùng chiếc kéo nhỏ, cắt những đường ngắn để làm tròn góc vị trí bạn cắt cuống cốc nguyệt san. Tuy nhiên, nếu bạn có cổ tử cung cao, thì chiếc cuống dài này lại giúp bạn đỡ lo lắng vì “tụt mất” cốc sâu vào trong.

Cuống ngắn đôi khi vẫn gây cấn nơi cửa mình vì độ cứng của nó. Với cốc nguyệt san có cuống ngắn, hãy đảm bảo là toàn bộ chiều dài cốc, bao gồm cả chiều dài cuống, ngắn hơn độ cao cổ tử cung của bạn.

Loại không có cuống thì sao? Ồ bạn sẽ không muốn hình dung đến cơn ác mộng mang tên trơn trượt này đâu. Đúng là nhiều bạn cup pro trình độ cao có thể tháo cốc mà không cần đến cuống. Nhưng, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào tình huống mà dịch kinh nguyệt làm cốc trơn đến mức ta ước gì có chỗ để túm tay vào thì vẫn dễ thở hơn.

Cuống vòng tròn nhẫn. Cũng là kiểu bọn mình thích nhất bởi vì… duh… cốc nguyệt san Cocmau được thiết kế như vậy. Mềm mại linh hoạt không gây cấn. Khỏi cần cắt tỉa phiền phức. Hỗ trợ đắc lực trong tình huống thân cốc bị trơn, túm mãi mà không được, hoặc cốc trượt vào trong hơi sâu.

Thiết kế cuống tròn của Cocmau phù hợp cho các bạn mới dùng cốc nguyệt san lần đầu và cả các bạn trình độ cao hơn. Chúng mình cũng đã nhận được feedback tuyệt vời về việc chiếc cuống tròn cực kỳ tiện lợi cho các bạn người dùng khuyết tật.

7. Giá cốc nguyệt san

Khoản đầu tư ban đầu cho cốc nguyệt san có vẻ đắt đỏ. Thế nhưng, nếu sử dụng băng vệ sinh loại tốt, bạn sẽ tiêu hết cùng số tiền đó trong khoảng 6 kỳ kinh. Trong khi đó, một chiếc cốc nguyệt san lại đồng hành với bạn tới vài ba năm. Xét về khoản tiết kiệm thì cốc nguyệt san là vô địch.

Chắc bạn đã thấy những chiếc cốc không nhãn hiệu được bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Giá của chúng chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Các loại cốc giá siêu rẻ được làm từ nhựa dẻo hoặc silicone dư thừa từ quá trình sản xuất các mặt hàng khác. Chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn về nguyên liệu lẫn quy trình. Với một vật đặt vào trong âm đạo và sử dụng nhiều năm, bạn sẽ muốn chúng có chất lượng và mức độ an toàn cao nhất.

Bạn có từng băn khoăn vì sao Cốc nguyệt san Cocmau lại có giá gần nửa triệu? Bởi vì chúng mình cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất, đảm bảo chất lượng chiếc cốc tới tay bạn. Hãy đọc tiếp dưới đây nhé!

Thế nào là hãng cốc nguyệt san tốt?

1. Lưu hành theo quy định của địa phương

Khi mua cốc nguyệt san, bạn nên check xem hãng cốc có được cấp phép lưu hành chính thức theo quy định của địa phương hay không. Tại Việt Nam, cốc nguyệt san là Trang thiết bị Y tế loại A. Tại Mỹ, cốc nguyệt san là Trang thiết bị Y tế Cấp 2 (Medical Device Class II).

Bạn có thể check hồ sơ lưu hành của Cocmau trực tiếp tại:

  • Website Bộ Y tế tại đây
  • Cơ sở dữ liệu FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) tại đây

2. Nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, có thể truy xuất được

Hãy check xem nguồn nguyên liệu của chiếc cốc có đạt tiêu chuẩn y tế không. Có 4 cấp độ tinh khiết của vật liệu y tế là:

  • Y tế không cấy ghép (cho các thiết bị y tế không đặt trong cơ thể);
  • Y tế cấy ghép trong thời gian ngắn (đặt trong cơ thể người ít hơn 29 ngày);
  • Y tế cấy ghép trong thời gian dài (đặt trong cơ thể người lâu hơn 29 ngày);
  • Y tế dùng cho dược phẩm.

Nguyên liệu của cốc nguyệt san phải ít nhất đáp ứng được cấp độ tinh khiết thứ 3: Y tế cấy ghép trong thời gian lâu hơn 29 ngày.

Cốc nguyệt san Cocmau được sản xuất từ nguyên liệu silicone cấp y tế nhập khẩu trực tiếp từ Wacker Chemie, Đức. Đây là một trong hai nhà cung cấp silicone hàng đầu thế giới. Nguồn nguyên liệu của Cocmau đã được kiểm nghiệm Tương thích Sinh học theo tiêu chuẩn ISO 10993. Nghĩa là nó không gây kích ứng, đủ tinh khiết và đủ an toàn để đặt trong cơ thể người trên 29 ngày.

Tất nhiên chúng mình không khuyến nghị bạn đeo cốc trong người lâu như thế. Tối đa 12 giờ thôi nhé!

3. Quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn

Không phải cốc nguyệt san nào cũng được sản xuất với tiêu chuẩn như nhau. Tại Việt Nam, Cốc nguyệt san Cocmau là một trong số rất ít hãng cốc được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 13485: 2016. Chúng mình tự hào có quy trình sản xuất khắt khe ngang với các trang thiết bị y tế siêu phức tạp, chẳng hạn như các chi tiết cấy ghép não, tim và chi giả.

4. Kiến thức và trình độ chăm sóc khách hàng

Cho dù bạn còn teen hay ngoài 30, sử dụng cốc nguyệt san lần đầu vẫn có thể là trải nghiệm choáng ngợp. Chúng mình đã từng ở vị trí đó! Ở Cocmau, chúng mình luôn dành thời gian lắng nghe và cùng bạn giải quyết vấn đề. Vì thế đừng bao giờ ngại ngần nhắn cho Cocmau câu hỏi của bạn.

5. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Cocmau cấu trúc công ty sao 100% nguồn lực là để tập trung phát triển các sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt. Chúng mình làm việc để mang lại trải nghiệm kinh nguyệt tích cực hơn. Cốc nguyệt san mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi!

Lời kết

Chọn cốc nguyệt san phù hợp có thể là công việc phức tạp. Đó là lý do chúng mình thiết kế cốc nguyệt san Cocmau dành cho đại đa số phụ nữ Việt Nam. Hãy áp dụng 7 tiêu chí trong bài viết này để check xem Cocmau có phù hợp với cơ địa của bạn không. Và đừng quên chúng mình luôn sẵn lòng giải đáp mọi câu hỏi của bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *