Chu kỳ kinh nguyệt lớn lao hơn câu hỏi khi nào bạn chảy máu kinh. Thực tế, hành kinh chỉ là giai đoạn đầu tiên của một chu kỳ. Đó là một điệu tango nhịp nhàng giữa các hormone, một vòng lặp diễn ra trong cơ thể đều đặn hàng tháng suốt 40 năm. Thông qua trục HPO, não bộ gửi những tín hiệu bằng hormone tới buồng trứng và tử cung, tạo nên những thay đổi mang tính tuần hoàn về cả thể chất lẫn tinh thần. Nắm bắt được quy luật tuần hoàn của riêng cơ thể bạn rất thú vị và có ích.
Một chu kỳ được tính từ ngày đầu tiên bạn hành kinh tới ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo, với độ dài trung bình là 28 ngày. Thế nhưng, chỉ 12.4% phụ nữ có độ dài chu kỳ chính xác 28 ngày như sách giáo khoa (4). Chu kỳ thường kéo dài khoảng 21 – 45 ngày, có thể thay đổi độ dài từ tháng này qua tháng khác, hoặc thay đổi trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đặc biệt là tuổi dậy thì và tiền mãn kinh (1).
Chu kỳ kinh nguyệt thực tế là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai chu kỳ khác nhau: chu kỳ buồng trứng và chu kỳ tử cung. Hai sự kiện chính trong một chu kỳ là hành kinh và rụng trứng. Nửa đầu của chu kỳ chuẩn bị cho việc phóng thích trứng khỏi buồng trứng, đồng thời làm dày lên nội mạc tử cung. Nửa sau của chu kỳ giúp cơ thể đón nhận một tế bào trứng đã được thụ tinh, hoặc, nếu sự thụ tinh không diễn ra – chuẩn bị cho một chu kỳ mới bắt đầu.
Nửa đầu của chu kỳ
Tử cung: Hành kinh
Ở tuổi dậy thì, bạn bắt đầu hành kinh. Việc này thường xảy ra khi bạn khoảng 9-16 tuổi. Trong kỳ kinh, tử cung co bóp để đẩy lớp niêm mạc lót trong cùng với máu, thông qua một lỗ nhỏ xíu trên cổ tử cung, vào âm đạo rồi ra ngoài. Một kỳ kinh thường kéo dài 2-7 ngày, với độ dài trung bình là 5 ngày.
Mặc dù lượng kinh nguyệt trông có vẻ nhiều, thực tế, mỗi kỳ kinh, bạn chỉ mất 30-72ml kinh nguyệt, tức là ít hơn 12 muỗng cà phê nhỏ xíu (6). Trong 2 ngày đầu, bạn sẽ thấy lượng kinh lớn hơn, máu kinh có độ sánh, và màu đỏ tươi hơn. Nếu có cục máu đông vào thời điểm này thì đó là một dấu hiệu bình thường. Máu kinh có độ sánh và dính nhất khi phần giàu dinh dưỡng nhất của nội mạc tử cung tách mình khỏi thành tử cung. Những ngày tiếp theo của kỳ kinh, máu kinh trở nên loãng, ngả nâu, vì chúng có nhiều thời gian oxy hoá hơn trước khi được đẩy ra ngoài.
Buồng trứng: Pha nang noãn
Từ thời điểm kỳ kinh bắt đầu cho tới rụng trứng, đây là giai đoạn não bộ gửi những tín hiệu hormone tới buồng trứng, chuẩn bị cho một tế bào trứng được phóng thích khỏi buồng trứng.
Thuỳ trước tuyến yên tiết ra FSH – hormone kích thích nang trứng. Đúng như cái tên của nó, FSH kích thích 15-20 nang trứng (túi nang mềm chứa dịch lỏng và tế bào trứng bên trong) ở cả hai buồng trứng, thúc đẩy tế bào trứng chín và lớn dần lên. Đến ngày cuối bạn hành kinh, tức là chưa hết 1/4 chu kỳ, kẻ thắng cuộc đã được định đoạt. Thời điểm này, nang trứng nào đạt kích thước lớn nhất (xấp xỉ 1cm) sẽ được chuẩn bị để phóng thích tế bào trứng bên trong (7). Cuộc đua diễn ra trong khoảng 8 đến 22 ngày, nhưng pha nang noãn nhạy cảm với các tác động ngoại lai nên có thể thay đổi độ dài từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Đồng thời, vừa lớn, nang trứng vừa tiết ra estrogen, đẩy nồng độ lên mức đỉnh ngay trước rụng trứng.
Tử cung: Giai đoạn tăng sinh
Diễn ra từ ngày cuối cùng của kỳ kinh cho tới pha rụng trứng, đây là giai đoạn tử cung làm dày lên niêm mạc tử cung.
Khi tế bào trứng lớn lên và nang trứng tiết estrogen, tử cung phản hồi tới lượng estrogen tăng dần bằng cách xây dựng lại lớp niêm mạc lót bên trong vừa bong tróc khỏi thành tử cung trong giai đoạn hành kinh. Nội mạc tử cung đã tự củng cố lại mình trong vòng 48 giờ sau khi bạn bắt đầu hành kinh cho tới pha rụng trứng, và vì vậy giai đoạn này được gọi là tăng sinh. Tử cung làm vậy để tạo môi trường êm ái, giàu dinh dưỡng, chuẩn bị đón nhận một tế bào trứng đã được thụ tinh cấy mình vào làm tổ ở nội mạc tử cung.
Rụng trứng
Diễn ra khoảng giữa chu kỳ, tế bào trứng thắng cuộc được phóng thích khỏi buồng trứng vào tử cung.
Tế bào trứng thắng cuộc tiếp tục lớn cho tới khi đạt kích thước cực đại. Nồng độ estrogen tăng cao và khi đạt ngưỡng đỉnh, nó sẽ báo hiệu cho tuyến yên đột ngột xả ra một lượng lớn hormone LH. Hormone LH giúp tế bào trứng thắng cuộc đi xuyên qua thành của buồng trứng, rơi vào trong khoang chậu, và được các vòi trứng như những ngón tay xoè rộng, nhanh chóng quét vào trong ống dẫn trứng trong vòng 1 phút, rồi di chuyển dần tới tử cung (2).
Sự rụng trứng là sự kiện chia chu kỳ ra làm hai nửa. Với hầu hết mọi người, rụng trứng sẽ xảy ra trước kỳ kinh tiếp theo khoảng 12-16 ngày. Nửa đầu của chu kỳ (pha nang noãn) đóng vai trò chính quyết định độ dài của một chu kỳ (8).
Nửa sau của chu kỳ
Buồng trứng: Pha hoàng thể
Kéo dài từ sau rụng trứng tới trước kỳ kinh tiếp theo, đây là giai đoạn hoàng thể tiết ra hai hormone progesterone và estrogen.
Sau khi tế bào trứng chiến thắng được phóng thích khỏi buồng trứng, nang trứng bọc tế bào này ở lại trong buồng trứng và co xẹp lại, trở thành hoàng thể (nghĩa là thể xác màu vàng). Hoàng thể bắt đầu tiết ra progesterone cùng estrogen. Nồng độ progesterone sẽ đạt đỉnh vào chính giữa pha hoàng thể (5). Sự đảo chiều hormone ngoạn mục là nguyên nhân khiến chúng ta trải nghiệm những dấu hiệu PMS vào khoảng 1-2 tuần trước khi chu kỳ tiếp theo bắt đầu (4). Trong đó, căng tức ngực, tâm trạng thất thường, trướng bụng, đau đầu, mụn và đau lưng là những triệu chứng phổ biến nhất.
Nếu trứng được thụ tinh, hoàng thể tiếp tục tiết ra progesterone để duy trì nội mạc tử cung, tạo điều kiện cho thai kỳ ở giai đoạn sớm. Nếu sự cấy thai không diễn ra, hoàng thể sẽ chết đi, mức độ progesterone cùng estrogen sụt giảm, kích thích nội mạc tử cung bong ra và kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Hoàng thể có tuổi thọ 12-16 ngày, và vì thế, độ dài của pha hoàng thể bất biến, không bị ảnh hưởng bởi stress hay các yếu tố ngoại lai (5).
Tử cung: Giai đoạn chế tiết
Nội mạc tử cung tiết ra các hormone để hỗ trợ sự cấy thai nếu tế bào trứng đã được thụ tinh, hoặc bong tróc khỏi thành tử cung nếu sự thụ tinh không xảy ra.
Trong pha này, tế bào trứng đã được thụ tinh sẽ cấy mình vào lớp nội mạc êm ái, giàu dinh dưỡng lót trong tử cung, đã được estrogen chuẩn bị và progesterone duy trì. Giai đoạn chế tiết có cái tên như vậy bởi các tế bào nội mạc liên tục chế tạo và tiết ra ra các tín hiệu hormone phức tạp, nổi bật trong số đó là prostaglandin.
Prostaglandin là hormone có tác động co thắt cơ. Nếu bạn đã thụ thai, nội mạc tử cung sẽ ngay lập tức dừng sản xuất prostaglandin để hỗ trợ cho bào thai phát triển. Nếu bạn không thụ thai, nồng độ prostaglandin sẽ tiếp tục tăng, đạt đỉnh ở chu kỳ kinh nguyệt. Hoàng thể (nang trứng) sống hết tuổi thọ và ngừng sản xuất progesterone cùng estrogen. Bị cắt đứt khỏi hai hormone nuôi dưỡng và duy trì, các mạch máu nối tới nội mạc tử cung co hẹp lại. Nội mạc tử cung bắt đầu bong tróc ra khỏi thành tử cung. Kết hợp với các cơn co thắt cơ do prostaglandin tạo nên, tử cung và các bộ phận xung quanh bắt đầu co bóp để đẩy nội mạc tử cung ra ngoài (3).
Bạn chảy máu kinh, và một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Nguồn tham khảo
- Fehring RJ, Schneider M, Raviele K (2006). Variability in the phases of the menstrual cycle. JOGNN. 2006;35: 376-384.
- Fritz MA, McLachlan RI, Cohen NL, Dahl KD, Bremner WJ, Soules MR. Onset and characteristics of the midcycle surge in bioactive and immunoactive luteinizing hormone secretion in normal women: influence of physiological variations in periovulatory ovarian steroid hormone secretion. J Clin Endocrinol Metab. 1992;75(2):489–93.
- Fritz MA, Speroff L, editors. Clinical gynecologic endocrinology and infertility. 8th ed. Philadelphia, PA: Lippincott Williams & Wilkins; 2011.
- Hill, M. Period Power. Green Tree, 2019.
- Khan-Dawood FS, Goldsmith LT, Weiss G, Dawood MY. Human corpus luteum secretion of relaxin, oxytocin, and progesterone. J Clin Endocrinol Metab. 1989;68(3):627–31.
- “Periods.” NHS. National Health Service UK. 05 August 2019. https://www.nhs.uk/conditions/periods/.
- van Santbrink EJ, Hop WC, van Dessel TJ, de Jong FH, Fauser BC. Decremental follicle-stimulating hormone and dominant follicle development during the normal menstrual cycle.Fertil Steril. 1995;64(1):37-43.
- Weschler, T. Taking Charge of Your Fertility. HarperCollins, July 2015.
Leave a Reply