Tháng nào cũng như tháng nào, bạn thoi thóp sống sót qua cuộc chiến khi kỳ kinh sắp ghé… Nếu đó là sự thật cuộc sống của bạn, đã đến lúc nói về Rối loạn Khí sắc Tiền Kinh nguyệt (PMDD). 

Nếu bạn cảm thấy thật tệ mỗi khi sắp đến tháng…

Tháng nào cũng như tháng nào, bạn thoi thóp sống sót qua cuộc chiến khi kỳ kinh sắp ghé… Nếu đó là sự thật cuộc sống của bạn, đã đến lúc nói về Rối loạn Khí sắc Tiền Kinh nguyệt (PMDD). 

Không đơn giản chỉ là PMS

Rối loạn Khí sắc Tiền Kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder) là tình trạng nghiêm trọng và gây suy nhược. Nó không đơn giản chỉ là PMS.

PMDD đồng nghĩa với quy luật rõ rệt của các triệu chứng về cảm xúc, hành vi và thể chất nghiêm trọng xảy ra vào giai đoạn hoàng thể muộn, khoảng 1-2 tuần trước kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

Các dấu hiệu rối loạn có xu hướng thuyên giảm sau khi kỳ kinh bắt đầu.

Cứ 20 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì 1 người đang chung sống với PMDD

Con số này chưa tính tới những trường hợp không được chẩn đoán, chẩn đoán sai lệch, hoặc các triệu chứng ẩn đi vì chu kỳ rụng trứng được điều tiết bằng biện pháp tránh thai nội tiết tố.

75% phụ nữ trải nghiệm Hội chứng Tiền Kinh nguyệt (PMS). Chỉ 5-8% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có PMDD.

PMDD mặc dù hiếm hơn PMS nhưng nặng nề hơn nhiều lần. Nó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, tới công việc, đời sống xã hội, tình dục, các mối quan hệ, thậm chí gây ra suy nghĩ về cái chết.

30% người có PMDD từng cố gắng tự tử, so với 10% người bị trầm cảm từng cố gắng tự lấy đi mạng sống

Đáng chú ý, PMDD có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn tới những người có một số tình trạng phát triển thần kinh không điển hình (neurodivergent conditions). Chẳng hạn, ở phụ nữ có ADHD hoặc tự kỷ, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PMDD cao hơn nhiều lần.

Chu kỳ có đang chi phối cuộc đời bạn?

PMDD không phải chỉ là thấy chán chường trước khi kỳ kinh ghé. Nó gây ra đau đớn và ảnh hưởng mọi khía cạnh của cuộc sống:

  • Công việc & hiệu suất cá nhân: khó tập trung, trễ deadline, nghỉ ốm
  • Quan hệ: xung đột, né tránh, hoặc cảm giác xa lạ với người thân yêu
  • Quan niệm về bản thân: cảm giác thất thần, “như người khác”
  • Sức khoẻ tinh thần: suy nghĩ xâm lấn, mất động lực, thay đổi tâm trạng thất thường
  • Sinh hoạt hàng ngày: cần động lực khủng khiếp để làm những nhiệm vụ đơn giản như chăm sóc bản thân, duy trì nhịp sống

Liệu tôi có bị Rối loạn Khí Sắc Tiền Kinh nguyệt?

Để chẩn đoán chính thức PMDD, một tập hợp triệu chứng cụ thể phải xuất hiện trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt trong năm trước đó.

Ít nhất 5 triệu chứng mang tính lâm sàng (lặp đi lặp lại) phải xuất hiện, và ít nhất 1 trong các triệu chứng phải có liên quan đến khí sắc rõ rệt, chẳng hạn như:

  • Cảm xúc dễ biến đổi (thay đổi tâm trạng đột ngột, nhạy cảm, buồn bã, dễ khóc bất ngờ, khó tiếp nhận sự từ chối)
  • Cáu kỉnh, tức giận, xung đột nội bộ gia tăng
  • Khí sắc trầm rõ rệt, cảm giác vô vọng, ý nghĩ tự ti
  • Lo âu, căng thẳng, bồn chồn, đứng ngồi không yên

Các dấu hiệu thể chất của PMDD

Để đạt ít nhất 5 triệu chứng lâm sàng, PMDD còn đi kèm các triệu chứng thể chất:

  • Mất hứng thú vào hoạt động thường ngày (trường học, bạn bè, sở thích)
  • Ngủ nhiều hoặc mất ngủ
  • Thay đổi khẩu vị rõ rệt (ăn quá nhiều, hoặc thèm ăn một số loại thực phẩm cụ thể)
  • Kiệt sức, mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Mất kiểm soát, cảm giác choáng ngợp
  • Khó khăn khi tập trung do lý do chủ quan, lơ đãng, sương mù não
  • Xa lánh, rút mình khỏi xã hội
  • Trí nhớ kém
  • Có hình ảnh tồi tệ về bản thân, ám ảnh, nhạy cảm, khóc thường xuyên
  • Thay đổi thể chất như đau đầu; mụn trứng cá; đau cơ & khớp; cảm giác “đầy hơi” hoặc tăng cân, phù nề

Có thể mất tới 12 năm để chẩn đoán PMDD

PMDD rất hiếm khi được chẩn đoán vì nó trùng lặp triệu chứng thể chất với PMS.

Triệu chứng thể chất của PMDD và PMS đều xảy ra trong giai đoạn hoàng thể muộn của chu kỳ kinh nguyệt, và thuyên giảm khi kỳ kinh bắt đầu.

Yếu tố phân biệt chủ yếu là mức độ nghiêm trọng. PMS thường gây khó chịu, trong khi PMDD gây đau khổ, cực đoan và suy nhược. Mặc dù cùng liên quan tới pha hoàng thể, mức độ nghiêm trọng của PMDD có tác động đáng kể hơn, và kéo dài rõ rệt hơn so với PMS điển hình.

Trong PMDD, ít nhất một triệu chứng khí sắc nổi bật (như trầm cảm nặng, lo âu, cáu kỉnh, hoặc biến đổi tâm trạng đột ngột) là tiêu chuẩn bắt buộc cho chẩn đoán.

Chuyên gia cũng phải loại trừ trường hợp PMDD là sự trầm trọng thêm của những rối loạn tiềm ẩn khác, như rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn lo âu hoảng sợ, hoặc rối loạn nhân cách.

Mặc dù vậy, chúng có thể xảy ra đồng thời, dẫn đến sự phức tạp và chậm trễ khiến phụ nữ có PMDD phải chịu đựng lâu năm, điều trị sai nguyên nhân.

Trong khi đó, nỗi đau của họ bị coi nhẹ là “bệnh phụ nữ” hay “lại tới tháng”.

PMDD không phải chuyện gì mới…

Từ Hy Lạp cổ đại, Hippocrates đã ghi chép lại những gì phụ nữ chịu đựng về thể chất, tinh thần liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.

Trong lịch sử y học hiện đại hơn, tập hợp các triệu chứng này được gọi bằng tên “căng thẳng tiền kinh nguyệt”, về sau gộp chung với “hội chứng tiền kinh nguyệt”.

Sự hiểu biết về PMDD được nâng lên một tầm mới với Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition – DSM-5).

Cùng với DSM-5, PMDD được chính thức công nhận là một bệnh tâm thần.

Định danh PMDD không phải là bình thường hoá của những triệu chứng đến tháng thông thường. PMDD cũng không phải là một căn bệnh do “tiếp xúc với văn hoá phương Tây”.

PMDD xuất hiện trong các nền văn hoá không có định kiến về giới tính giống phương Tây. Điều này chứng tỏ sự dễ tổn thương về mặt sinh học, chủ yếu có liên quan tới cơ chế tuần hoàn của các hormone sinh sản, đặc biệt là estrogen và progesterone.

Đã đến lúc nói về Rối loạn Khí sắc Tiền Kinh nguyệt

Dù được DSM-5 ghi nhận chính thức, mức độ nhận thức thực tế về PMDD còn thấp trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, bác sĩ đa khoa, bác sĩ sản-phụ khoa, và thậm chí, cả chuyên viên tâm lý có thể chưa nhận thức hoặc xem trọng các dấu hiệu lặp đi lặp lại khiến phụ nữ chịu đựng.

Định kiến từ xã hội trở thành bức tường thành đối với nghiên cứu. Cả kinh nguyệt lẫn sức khoẻ tâm thần là chủ đề có thể khiến đám đông co rúm lại. Chứng kiến phản ứng đó, phụ nữ ngại ngần đi tìm sự giúp đỡ.

Kể cả khi đi khám, nhiều người kể lại cảm giác như bị gaslight khi bác sĩ không hình dung được tình trạng và mức độ triệu chứng của họ — và hơn hết, là thiếu sự cảm thông.

Những yếu tố trên tạo thành vòng lặp khiến sức khoẻ tâm thần của phụ nữ mãi bị hiểu sai, hiểu thiếu sót, và chữa không dứt điểm.

Đặt lòng tin tuyệt đối vào cơ thể bạn

Trong hành trình này, hãy trở thành cổ động viên số một cho sức khoẻ của bạn.

Bước 1 – Chọn bác sĩ của bạn

Bác sĩ sản-phụ khoa có thẩm quyền cũng như chuyên môn để chẩn đoán PMDD, và thường quen thuộc nhất với các triệu chứng của nó.

Trước khi đặt hẹn khám, bạn có thể:

  • Gọi trước phòng khám và hỏi về kinh nghiệm của họ trong chẩn đoán, chữa trị Rối loạn Khí sắc Tiền Kinh nguyệt
  • Nếu có thể, hãy hỏi thêm PMDD thường được điều trị với những biện pháp nào ở phòng khám đó

Dựa vào đây, bạn có thể ước lượng mức độ quen thuộc của phòng khám với các tiêu chuẩn và kiến thức tức thời.

Bước 2 – Chuẩn bị cho tham vấn

  • Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trong ít nhất 3 tháng. Ghi lại các triệu chứng trong mọi giai đoạn của chu kỳ, không chỉ hành kinh
  • Thể hiện rõ ý định của bạn (“Tôi đã theo dõi chu kỳ bấy lâu và nghi ngờ tôi có PMDD”)
  • Mang theo bảng biểu, dữ liệu chu kỳ mà bạn đã theo dõi (hoặc do ứng dụng biểu thị) để bác sĩ nắm được tổng quan. Dữ liệu này vô cùng quý giá
  • Kể về những dược phẩm, phương pháp điều trị bạn đã thử cho các triệu chứng: cái gì có tác dụng, cái gì không
  • Thảo luận về các tình trạng khác có thể là nguyên nhân hoặc xúc tác cho các triệu chứng của bạn (chẳng hạn như vấn đề tuyến giáp)
  • Nếu có những triệu chứng không lặp lại, hoặc không nằm trong kỳ hành kinh, đừng quên mang chúng ra thảo luận luôn

Bước 3 – Vượt ra khỏi giới hạn phòng khám

Cứ chân thật trong trải nghiệm của bạn. Nếu bác sĩ gợi ý một biện pháp mà bạn đã thử nhưng vô tác dụng hoặc có tác dụng phụ không mong muốn, hãy rõ ràng: “Tôi muốn thử những lựa chọn khác.”

Bạn có quyền có ý kiến thứ hai. Nếu bạn thấy triệu chứng của mình chưa được hiểu tận gốc, hãy tiếp tục thử nghiệm với một chuyên gia, cơ sở khác.

Nếu bác sĩ còn chưa quen thuộc với PMDD, hãy chia sẻ những hướng dẫn chính thức liên quan tới chẩn đoán, chữa trị PMDD từ các tổ chức uy tín với bác sĩ của bạn. Tất nhiên – theo một cách nhẹ nhàng và tôn trọng.

Chu kỳ kinh nguyệt biết nói, còn bạn có đang lắng nghe?

Nguồn tham khảo

American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Arlington, VA: American Psychiatric Publishing.

Cleveland Clinic. (n.d.). Premenstrual dysphoric disorder (PMDD): Causes & treatment. Retrieved May 12, 2025, from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9132-premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd

Discovery Institute. (n.d.). What’s the difference between PMDD vs PMS? Retrieved May 12, 2025, from https://www.discoverynj.org/pmdd-vs-pms/

Epperson, C. N., Steiner, M., & Yonkers, K. A. (2012). Premenstrual dysphoric disorder: Evidence for a new category for DSM-5. American Journal of Psychiatry, 169(5), 465–475. https://doi.org/10.1176/appi.ajp.2012.11081302

GP Notebook. (n.d.). Diagnosis of premenstrual dysphoric disorder. Retrieved May 12, 2025, from https://gpnotebook.com/pages/gynaecology/premenstrual-syndrome/diagnosis-of-premenstrual-dysphoric-disorder

Hantsoo, L., & Epperson, C. N. (2015). Premenstrual dysphoric disorder: Epidemiology and treatment. Current Psychiatry Reports, 17(11), 87. https://doi.org/10.1007/s11920-015-0628-3

International Association for Premenstrual Disorders (IAPMD). (n.d.). About PMDD. Retrieved May 12, 2025, from https://www.iapmd.org/pmdd

Mayo Clinic. (n.d.). Premenstrual dysphoric disorder: Different from PMS? Retrieved May 12, 2025, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premenstrual-syndrome/expert-answers/pmdd/faq-20058315

Mishra, S., Elliot, H., & Marwaha, R. (2024). Premenstrual dysphoric disorder. In StatPearls. StatPearls Publishing. Retrieved May 12, 2025, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532307/

Office on Women’s Health (OASH). (2021, February 22). Premenstrual dysphoric disorder (PMDD). U.S. Department of Health & Human Services. Retrieved May 12, 2025, from https://www.womenshealth.gov/menstrual-cycle/premenstrual-syndrome/premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd

Queensland Health. (2024, May 8). Beyond bloating and mood swings: your guide to premenstrual dysphoric disorder (PMDD) and why it’s more than just premenstrual syndrome (PMS). Retrieved May 12, 2025, from https://www.health.qld.gov.au/newsroom/features/breaking-the-cycle-a-guide-to-understanding-and-managing-premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd  

Reid, R. L. (2017). Premenstrual dysphoric disorder (formerly premenstrual syndrome). In L. K. Glass (Ed.), Comprehensive gynecology (7th ed., pp. 807-829.e2). Elsevier.

WebMD. (n.d.). What causes premenstrual dysphoric disorder (PMDD)? Retrieved May 12, 2025, from https://www.webmd.com/women/pms/premenstrual-dysphoric-disorder

Yonkers, K. A., Pearlstein, T. B., & Fayyad, R. (2009). Luteal phase treatment of premenstrual dysphoric disorder with escitalopram. Obstetrics & Gynecology, 113(2 Pt 1), 296–304. https://doi.org/10.1097/AOG.0b013e3181947331