Posted on Leave a comment

Vì sao chúng ta hành kinh?

Hành kinh là cơ chế sinh sản độc đáo chỉ có ở người và một số loài động vật bậc cao

Khi nghĩ tới hành kinh, bạn nghĩ tới điều gì? Một cuốn sổ sức khoẻ cần mẫn, đều đặn và rất đỗi chính xác; một phần cuộc sống quen thuộc tới mức không đáng bàn luận? Chúng mình cá là bạn chưa bao giờ đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến mỗi tháng bạn phải dùng vật gì đó để hứng máu do cơ thể bạn đưa ra ngoài.

Tất nhiên, đó là do cơ chế hormone bồi đắp nội mạc tử cung và – cứ mỗi tháng một lần – lại “tháo van” cho lớp nội mạc bong ra tạo thành máu kinh. (Cocmau đã viết chi tiết về cơ chế này tại: Điệu nhảy của những hormone). Không không, ý chúng mình là vì sao loài người lại hành kinh?

Có lẽ lý do đơn giản là mọi loài thú có vú, mang thai bên trong (thay vì đẻ trứng) đều cần xây nội mạc tử cung, để đón nhận một tế bào trứng đã được thụ tinh, cho phép nó làm tổ, tiếp cận vào dòng máu của mẹ, rồi phát triển thành bào thai. Nhưng nếu vậy, tại sao nội mạc tử cung lại cần phải bong ra hàng tháng? Đây chẳng phải là một sự lãng phí khủng khiếp sao?

Nếu nghĩ kĩ, có vẻ kinh nguyệt không hợp lý cho lắm…

Thật vậy, hầu hết thú có vú không có kinh nguyệt. Chúng tái hấp thụ nội mạc tử cung để tiết kiệm năng lượng cho việc tái tạo nội mạc. Và vì vậy, chúng chỉ có thời kỳ động dục chứ không hành kinh. Số lượng các loài động vật hành kinh đếm được trên đầu ngón tay: ngoài chúng ta, chỉ có thêm chuột chù voi, dơi, và một số ít loài linh trưởng họ hàng gần với chúng ta. Ở các loài này, hàng tháng, sự sụt giảm đột ngột của progesterone kích hoạt một quá trình bong tróc nội mạc và chữa lành vết thương mà không để lại một vết sẹo nào, hàng trăm lần trong suốt cuộc đời.

Kinh nguyệt thật kỳ diệu, nhưng nó lấy đi năng lượng cần thiết cho những dự án khác cấp thiết hơn của cơ thể: hệ miễn dịch, tái thiết tế bào, sinh thiết thần kinh. Dinh dưỡng không phải là mối lo cho người phụ nữ hiện đại có nguồn thức ăn dư thừa, nhưng với một người phụ nữ tiền sử thì có. Không những thế, hành kinh còn nguy hiểm và đau đớn cho phụ nữ — làm cho một kẻ săn mồi dễ đánh hơi thấy cô ấy hơn — và cô ấy có thể làm gì ngoài ôm bụng nằm trong hang, khi thuốc giảm đau phải mất nửa triệu năm nữa mới được phát minh?

Liệu đây có phải là sự trừng phạt của Thượng đế vì Eva đã dụ dỗ Adam ăn trái cấm, như Kinh Thánh khẳng định? Là sự đào thải chất độc để cân bằng âm dương như quan niệm của người Trung Hoa cổ xưa? Hay là dòng nước mắt của chiếc tử cung lang thang vì chưa thụ thai được một đứa con, như quan điểm của Hippocrates?

Cả ba đều không phải. Câu trả lời thú vị hơn hình dung của bạn đấy.

Nói ngắn gọn, kinh nguyệt là một cơ chế quan trọng, cho phép người phụ nữ có quyền lựa chọn tế bào trứng đã được thụ tinh nào được phép phát triển bên trong cô ấy. Kinh nguyệt bảo vệ sức khoẻ, cho phụ nữ lợi thế tiến hoá.

Vì sao cô ấy phải lựa chọn?

Trước hết, chúng ta cần hiểu cơ thể nữ theo quan điểm tiến hoá sinh học. Làm phụ nữ nghĩa là thừa hưởng mọi đặc tính giúp tổ tiên của chúng ta tái sản xuất, truyền thụ gene thành công. Nếu bà, mẹ và tổ tiên của chúng ta thất bại trong việc đó, đơn giản là chúng ta không thể có mặt ở đây, lúc này. Ở cả cấp độ cá thể và loài, chúng ta đặt sinh sản và nhân giống ở vị trí cao nhất trong danh sách việc cần làm.

Điều đó có nghĩa là giống như các loài thú có vú, một phụ nữ cần phải tạo ra càng nhiều bản copy DNA của cô ấy bằng cách sinh càng nhiều con càng tốt, để tối ưu khả năng sống sót và thành công của con cái và của bản thân. Đúng như vậy không?

Sự thật không đơn giản thế. Một phụ nữ không thể muốn có bao nhiêu con cũng được. Thai kỳ là một khoản đầu tư lớn và cực kỳ mạo hiểm. Não của con người phát triển lớn đến mức hộp sọ của trẻ sơ sinh, sau 9 tháng mang thai, phải để lại một chỗ mềm, chưa đóng kín (gọi là thóp) thì mới chui qua được kênh sinh. Với việc tổ tiên của chúng ta từ trên cây xuống mặt đất, đứng thẳng trên hai chân làm cho hông của phụ nữ hẹp lại, việc sinh nở càng trở nên nguy hiểm so hơn bất kỳ loài động vật nào khác. Cho tới ngày nay, mang thai và sinh nở vẫn dẫn tới tỉ lệ tử vong rất cao, khiến hàng trăm phụ nữ qua đời mỗi ngày, bất chấp những tiến bộ y học.

Một bào thai chia sẻ 50% gene giống người mẹ. Nhưng người mẹ lại có 100% gene chung với bản thân cô ấy. Khác biệt có vẻ đơn giản này lại tạo ra một cuộc kéo co lợi ích tiến hoá bên trong dạ con. Bào thai – với cơ hội duy nhất để sống – sẽ tìm mọi cách để phát triển đến kích thước lớn bất thường, nếu không có cơ chế nào kìm nén nó lại. Thai nhi tiếp cận thẳng vào hệ tuần hoàn của mẹ để lấy không khí và dưỡng chất. Khi quá trình xâm lấn hoàn thành, nó có thể điều khiển cơ thể người mẹ bằng cách tiết ra hormone vào trong máu. Mọi chuyện không dừng lại ở thai kỳ: việc cho con bú đốt cháy 600 calo mỗi ngày. Và với một đứa trẻ kẹp bên nách, người phụ nữ khó có thể tham gia kiếm thức ăn, lao động, hay di chuyển theo bộ lạc.

Cơ thể người mẹ cần phải cân bằng giữa việc cung cấp cho thai nhi, vừa duy trì sức khoẻ của cô ấy. Với ngần đó thử thách và đầu tư, cơ thể mẹ buộc phải phát triển một cơ chế tự vệ giúp cô ấy vừa bảo vệ sức khoẻ của bản thân, đồng thời là cơ chế chọn lọc được bào thai có khả năng sống sót và thành công cao nhất.

Và đây, là nơi chu kỳ kinh nguyệt tham gia vào cuộc đua tiến hoá.

Bài thi đầu tiên trong cuộc đời chúng ta

Trái với những quan điểm phổ biến, nội mạc tử cung không phải là tổ ấm êm ái dành cho một tế bào trứng đã được thụ tinh. Nó là một trường thi khắc nghiệt, có tác dụng ngăn cấm, chứ không khuyến khích, sự cấy thai. Nội mạc tử cung tạo thành một bức tường thành kiên cố, và hợp tử phải cố hết sức mình mới cấy mình được vào đó, xuyên qua tường thành, tiếp cận tới dòng máu của mẹ và bắt đầu phát triển. Các nhà khoa học đã cấy hợp tử chuột trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Kết quả: hợp tử tham lam xâm lấn và phát triển cực nhanh ở bất cứ nơi đâu trong cơ thể, ngoại trừ trong tử cung.

Môi trường đầy thử thách của tử cung là bài thi sức khoẻ của hợp tử. Hàng tháng, với mỗi lần hành kinh và bong tróc nội mạc tử cung, 32% số hợp tử trong đời bạn bị loại khỏi cuộc đua.

Thế nhưng, kể cả khi hợp tử đã vượt qua bài thi đầu tiên và cấy mình được vào bức tường thành nội mạc, bài thi thứ hai đang chờ trước mắt. Hợp tử phải tạo ra một lượng hormone hCG đủ lớn để kích thích cơ thể mẹ ngừng hành kinh. (Que thử thai hoạt động bằng cách đo nồng độ hCG đấy!) Nếu hợp tử không sản xuất ra đủ hCG, cơ thể người mẹ tiếp tục hành kinh, và hợp tử bị loại bỏ trong lần nội mạc tử cung bong tróc tiếp theo. Đây là số phận của thêm 24% hợp tử nữa.

Và vì thế, chỉ với chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, cơ thể phụ nữ đã loại bỏ hơn 50% các ứng viên chưa đạt yêu cầu. Cơ chế này hoạt động thầm lặng mà hữu dụng hơn bạn tưởng, đúng không nào?


Nguồn tham khảo

[1] Harrari, Yuval Noah. Sapiens: A Brief History of Humankind. New York: Harper, 2015.
[2] Hill, Sarah. This Is Your Brain on Birth Control. Avery, 2019.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *