Posted on Leave a comment

7 lý do bạn nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt giúp bạn lên kế hoạch cuộc sống, hỗ trợ thụ thai hoặc ngừa thai, đồng thời theo dõi sức khoẻ tổng thể

Theo dõi chu kỳ là khái niệm cổ xưa. Chúng ta từng dựa vào mặt trăng, đánh dấu trên lịch, dựa vào trí nhớ, hay đơn giản là bỗng một ngày trong tháng, trực giác mách ta rằng sắp đến ngày. Ngày nay, với sự kín đáo và tiện lợi, chiếc smart phone cho phép các ứng dụng đánh dấu và dự đoán kinh nguyệt bùng nổ về độ phổ biến.

Bằng cách theo dõi các dấu hiệu triệu chứng, tâm trạng và mức năng lượng, những ứng dụng này cho ta biết nhiều hơn là khi nào chảy máu. Theo dõi chu kỳ giúp bạn lên kế hoạch đời sống, hỗ trợ thụ/ngừa thai, và báo động khi có bất thường xảy ra.

Dưới đây là 7 kiến thức có thể giúp bạn biohack kinh nguyệt khi bắt đầu theo dõi.

Thế nào là trạng thái bình thường

Năm 2015, Uỷ ban Bác sĩ Sản Phụ khoa (ACOG) Đại học Mỹ khuyến cáo rằng lịch sử kinh nguyệt nên được sử dụng như dấu hiệu quan trọng để đánh giá sức khoẻ toàn diện.

Theo dõi chu kỳ giúp bạn hiểu thế nào là kiểu mẫu điển hình của riêng bạn. Cơ chế hormone điều tiết chu kỳ kinh nguyệt tạo nên những thay đổi thể chất và tâm trạng. Có thể bạn đã để ý đến chúng, nhưng việc biết chính xác khi nào chúng xảy ra trong chu kỳ giúp bạn nhận thức và kiểm soát chúng tốt hơn.

Kể cả khi kinh nguyệt của bạn không đều, nhân viên y tế dễ dàng chẩn đoán tình trạng sức khoẻ chính xác dựa trên những thay đổi mà bạn ghi lại. Theo dõi chu kỳ cũng đặc biệt có ích khi bạn trải qua những giai đoạn chuyển tiếp có ảnh hưởng lớn lao của cuộc đời, như tuổi dậy thì, thai kỳ, hậu sản, và tiền mãn kinh.

Khi nào là cửa sổ thụ thai

Bạn dễ thụ thai nhất vào những ngày dẫn tới (và bao gồm) pha rụng trứng. Sau ngày rụng trứng, nếu tế bào trứng không gặp tinh trùng trong một pha dài vỏn vẹn 24 giờ, nó sẽ phân huỷ trong vòng 24 giờ tiếp theo. Từ đó cho tới hết chu kỳ, khả năng thụ thai xuống thấp.

Việc biết thời gian hữu thụ rất có ích nếu mục tiêu của bạn là thụ thai. Nếu mục tiêu của bạn là ngừa thai, bạn nên sử dụng các biện pháp an toàn tình dục dạng màng ngăn (như bao cao su nam/nữ, hay màng ngăn tránh thai) xuyên suốt cửa sổ thụ thai.

Hiểu cảm hứng tình dục

Cảm hứng tình dục của mỗi người đi theo một khuôn mẫu riêng, thường liên quan chặt chẽ với vòng tuần hoàn hormone sinh dục. Nhiều phụ nữ nhận thấy sex tuyệt nhất gần thời gian rụng trứng. Sự tăng mạnh của oestrogen, kết hợp với một cú hích testosterone – hormone sexy, tự tin, trung tâm của thế giới – ngay vào khoảng giữa chu kỳ, chính là tác nhân khoái lạc. Tuần thứ hai của chu kỳ sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để bạn book một cuối tuần riêng tư với người yêu đấy!

Cá nhân hoá chiến lược tập luyện

Hóa ra, đồng bộ hoá lịch tập gym của bạn với vòng kinh là việc có lý. Vào tuần ngay sau kỳ hành kinh, ở pha noãn, cơ thể có mức độ chịu đựng tốt hơn, cộng với nguồn năng lượng dồi dào. Còn ở tuần thứ ba, khi progesterone với tác dụng làm ấm thống trị cơ thể, bạn đốt nhiều mỡ hơn cho cùng mức độ tập luyện so với các pha khác trong chu kỳ. Bởi thế, pha hoàng thể cực thích hợp cho các bài tập HIIT đốt mỡ.

Hiểu thói quen ăn uống

Chúng ta đều nhớ cảm giác thèm chocolate kinh khủng khi đến kỳ. Khi theo dõi chu kỳ, bạn sẽ nhận thấy cả những quy luật khác liên quan tới khi nào thì bạn thèm ăn đồ mặn, đồ ngọt, đồ mẹ nấu, hay cả đồ healthy.

Thèm ăn là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của pha tiền kinh nguyệt. Trong đó, pha hoàng thể được kết nối với sự gia tăng cảm giác thèm ăn mặn. Thức ăn cũng là niềm an ủi tâm hồn lớn lao cho nhiều bạn đang trong giai đoạn khủng hoảng tâm trạng.

Vì thế, theo dõi chu kỳ giúp bạn xác định xem thói quen ăn uống của bạn có thật sự được điều tiết bởi chu kỳ hay không, đồng thời nhận ra các tác nhân có thể liên quan, chẳng hạn như stress.

Ngủ ngon hơn

Trằn trọc vì khó ngủ? Chu kỳ kinh nguyệt có thể là một trong các lý do.

Cùng với sự gia tăng của progesterone từ pha noãn cho tới pha hoàng thể, đây sẽ là khoảng thời gian bạn thấy dễ ngủ, thời gian ngủ ngon kéo dài nhất.

Các bạn có hội chứng rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt, hoặc đau bụng kinh, thường thấy chất lượng giấc ngủ giảm sút, mệt mỏi hoặc mất ngủ.

Vì thế, khi theo dõi chu kỳ, bạn có thể dựa vào quy luật giấc ngủ của bản thân để lập các kế hoạch cuộc sống thích hợp. Nhưng cũng hãy nhớ rằng bản thân các giai đoạn của cuộc sống cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ. Ở thời kỳ thai sản, hậu sản, tiền mãn kinh và mãn kinh, bạn cũng sẽ nhận thấy nhiều thay đổi ở thói quen và chất lượng giấc ngủ.

Quản lý tâm trạng

Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy cáu kỉnh, đứng ngồi không yên, để rồi hai ngày hôm sau thấy vệt đỏ trên quần lót, và… Ồ, hoá ra là thế! Bạn nhẹ cả người: một cách khách quan, mọi thứ vẫn ổn, và đây chỉ là một pha trong tháng bạn nên cho phép mình nghỉ ngơi. Bong bóng căng thẳng trong bạn, cả thể chất và tinh thần, bỗng nhiên xẹp xuống.

Nhưng tâm trạng không phải chỉ là vấn đề PMS. Sự thay đổi hormone đã được chứng minh là có thể dẫn đến những tâm trạng khác nhau, như buồn phiền, hướng nội, lo lắng, hay tự tin, bạo dạn, âu yếm hơn. Một liên kết chặt chẽ, chính xác hơn giữa hormone và tâm trạng vẫn còn là vấn đề được các nhà khoa học nghiên cứu. Trong khi chờ đợi, bạn hoàn toàn có thể ghi lại những triệu chứng điển hình, lên kế hoạch hướng ngoại cho những ngày bạn thấy tuyệt nhất. Và nếu bạn biết PMS đang đến? Hãy chuẩn bị cho một tuần recharge, thay vì cố gắng bắt mình phải hiệu suất như những ngày còn lại trong tháng.

Chỉ 2 phút trước khi đi ngủ để log lại ngày của bạn trong vài cú click, thật đáng công phải không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *