Posted on Leave a comment

Có thể đi bơi trong kỳ kinh nguyệt không? Phán quyết cuối cùng.

Bạn có thể đi bơi trong kỳ kinh nguyệt bằng cách sử dụng các sản phẩm kinh nguyệt đặt bên trong, như tampon và cốc nguyệt san.

Trong mọi câu hỏi liên quan đến thể thao và kinh nguyệt, câu hỏi chúng mình thường gặp nhất liên quan tới một bộ môn: bơi lội.

Bạn có thể đi bơi khi đến kỳ kinh nguyệt không?

Tất nhiên là CÓ.

Nhưng bạn không phải là người dễ thoả mãn với câu trả lời ngắn gọn. Bởi vì bạn là kiểu người mà quan tâm tới sản phẩm kinh nguyệt không truyền thống. Vậy thì, đây là câu trả lời chi tiết dành cho bạn – cùng lặn sâu với chúng mình!

Máu kinh không để lại vệt dài trong nước

Thực tế là máu kinh không để lại vệt dài trong nước như trong phim kinh dị. Áp lực nước sẽ khiến dòng kinh nguyệt tạm ngừng chảy ra khỏi âm đạo (bạn có nhớ lực đẩy Ác-si-mét trong chương trình lớp 8 không?). Và hãy yên tâm, cả người hay cá mập đều không thể ngửi thấy mùi của kinh nguyệt đâu. Dù bạn có rỉ ra vài giọt, chúng cũng sẽ bị pha loãng tới mức gần như không còn dấu vết trong nước bể hoặc nước biển.

Tuy nhiên, nếu bạn hắt xì, ho, cười lớn hoặc bước ra khỏi bể bơi, áp lực thay đổi và bam! – đồ bơi của bạn sẽ nhuốm chút màu máu kinh. Giải pháp rất đơn giản: hãy loại bỏ nỗi lo rò rỉ bằng cách sử dụng các sản phẩm kinh nguyệt đặt bên trong, như tampon và cốc nguyệt san. Băng vệ sinh tất nhiên là vô dụng, bởi vì nó sẽ thấm đẫm nước bể trước khi kịp bảo vệ bạn.

Đi bơi trong kỳ kinh nguyệt có vệ sinh không?

Thế là bạn đã yên tâm về việc không ai biết bạn đang đến kỳ và cá mập sẽ không đuổi theo bạn như trong phim Hàm Cá Mập. Nhưng… đi bơi khi đến kỳ có vệ sinh không?

Vài giọt kinh nguyệt thật chẳng xi-nhê gì nếu bạn nghĩ tới lượng nước tiểu, nước bọt và mồ hôi trong mọi bể bơi. Nước bể bơi được liên tục xử lý bằng chlorine – chất khử khuẩn và tẩy rửa cực mạnh – để ngăn sự lây lan của vi khuẩn, nấm và bệnh tật. Vì vậy, hãy yên tâm, bạn không khiến cho mọi người bị nguy hiểm về sức khoẻ hay bị mất vệ sinh. Đồng thời bạn cũng không khiến cho bản thân bị mất vệ sinh hay làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Hiểu lầm #1: Bạn dễ bị viêm nhiễm hơn khi đi bơi trong kỳ kinh nguyệt

Không hề. Bạn có nhiều khả năng bị viêm tai, viêm da, hoặc đau bụng vì nước bể bơi hơn là bị viêm âm đạo đấy! [1, 2, 3, 4]

Chlorine là chất khử khuẩn mạnh nên nó cũng đồng thời có thể gây kích ứng nếu tiếp xúc với da quá lâu. Âm đạo bị kích ứng, mất cân bằng pH dễ bị viêm nhiễm bởi nấm Candida (yeast infection) hoặc bởi vi khuẩn (bacterial vaginosis) [5]. Vì thế, lời khuyên của chúng mình là:

  • Tránh bơi ở các vùng nước hoang dã.
  • Đừng mặc đồ bơi ướt quá lâu. Khi lên bờ, bạn nên tắm và thay quần áo khô ngay.
  • Tắm nước ngọt để rửa sạch chlorine sau khi bơi. Bạn có thể sử dụng các loại xịt khử chlorine dành cho da và tóc sau khi bơi, hoặc áp dụng tip sau đây từ các vận động viên bơi lội: pha loãng bột vitamin C hoặc nước cốt chanh với nước để vệ sinh âm hộ, bởi vì vitamin C có tác dụng khử clorine.

Nếu bạn thấy dấu hiệu ngứa, rát, buốt, hoặc tiết dịch âm đạo bất thường sau khi đi bơi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa của bạn.

Thế nhưng, nguy cơ viêm nhiễm không tăng lên khi bạn đến kỳ kinh. Nếu bạn thấy thích đi bơi vào những ngày khác trong tháng, bạn hoàn toàn có thể đi bơi trong tuần kinh nguyệt, chẳng cần lo lắng.

Hiểu lầm #2: Bơi lội, thể thao làm cho đau bụng kinh dữ dội hơn

Ngược lại là khác! Các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội có thể làm giảm đau bụng kinh [6]. Khi bạn tập thể thao, cơ thể tiết ra endorphins – hormone giảm đau tự nhiên, đồng thời giúp bạn thấy phấn chấn, cải thiện tâm trạng ngay lập tức, cải thiện sức khoẻ tinh thần dài hạn. Nghiên cứu còn cho thấy bơi lội xoa dịu các triệu chứng tiền kinh nguyệt [7]. Đồng thời, bơi lội tăng cường tuần hoàn máu, giảm bớt protasglandin – hormone khiến tử cung co thắt để đẩy kinh nguyệt ra, là nguyên nhân khiến bạn đau bụng, đau bắp đùi, đau lưng khi đến kỳ.

Với một số bạn, đau bụng kinh có thể ảnh hưởng tới việc tập luyện thể thao. Vận động viên Olympics Fu Yuanhui đã đập nát định kiến kinh nguyệt bằng cách thoải mái nói với phóng viên về việc đau bụng kinh ảnh hưởng tới thành tích bơi lội của cô.

@cocmau

Fu Yuanhui – VĐV #Olympics đầu tiên phá vỡ kiêng kỵ bằng cách nói về kinh nguyệt và thành tích thi đấu.

♬ original sound – Cocmau – Cốc nguyệt san Cocmau

Vì thế, nếu bạn muốn một cú boost tâm trạng, tận hưởng cái bồng bềnh không trọng lực và quên đi cảm giác đầy trướng bụng khi đến kỳ, hãy nhảy ùm xuống bể bơi đi! Hoặc nếu bạn thích xử lý triệu chứng kinh nguyệt bằng cách nằm ôm túi sưởi, gặm thanh chocolate trong khi cày nguyên một season phim, đó cũng là lựa chọn tuyệt vời luôn.

Sử dụng sản phẩm kinh nguyệt nào để đi bơi?

Băng vệ sinh

Đừng để tâm đến việc dùng băng vệ sinh khi đi bơi. Nó thấm đầy nước ngay giờ phút bạn ngâm mình vào nước, chẳng thấm được tí kinh nguyệt nào. Cuối cùng bạn phải chịu đựng cái bỉm đẫm nước nặng trịch dưới đũng quần. Tương tự với băng vệ sinh vải và quần lót kinh nguyệt.

Tampon

Tampon có thể thấm một ít nước bể, nhưng bạn sẽ không bị rò rỉ đâu. Không có nguy cơ sức khoẻ nào khi đeo tampon đi bơi, miễn là bạn tháo tampon ngay sau khi rời nước. Tuy nhiên, nếu bạn bơi lâu hơn 1 tiếng đồng hồ, thì mỗi giờ bạn phải thay cái tampon mới để tránh đeo tampon thấm nước bể quá lâu, làm ảnh hưởng tới pH âm đạo.

Đôi khi cũng có tai nạn nho nhỏ liên quan đến dây tampon: dù bạn đã vén nó gọn gàng vào bên trong, sợi dây có thể trượt ra bên sườn đũng quần bơi – gây nên cảm giác xấu hổ vì kinh nguyệt, chỉ vì xã hội bảo ta phải cảm thấy như thế! Một ngày đẹp trời sau này, có khi ta lại bỗng dưng băn khoăn ngày hôm đó có ai để ý tới sợi dây đáng ghét đó không.

Các vận động viên chuyên nghiệp đôi khi vẫn cảm nhận được tampon khi đi bơi, tuỳ vào cường độ vận động. Thậm chí có thể bạn vẫn cảm thấy cái rát và khô đến từ tampon ngay cả khi trong bể. Nếu bạn đi bơi ở hồ, bãi biển, lướt sóng hay dã ngoại tắm suối cả ngày, thì tampon không phải là lựa chọn hợp lý, vì không thể đeo được quá 4 tiếng mỗi lần sử dụng và chưa chắc bạn đã có cơ sở vật chất vệ sinh để thay tampon một cách an toàn.

Cốc nguyệt san

Bơi lội, thể thao khi đến kỳ là một trong những lý do lớn nhất thúc đẩy sự phát minh của cốc nguyệt san trong thập niên 1930s. Không giống như tampon, bạn không bị kích ứng, không cảm thấy cốc, không lo về sợi dây, không cần tháo cốc tới tối đa 12 giờ, và không có cảm giác bí ẩn nào sột soạt bên trong khi đeo cốc.

Đến từ thành phố biển Đà Nẵng, Cốc nguyệt san Cocmauhit product với các vận động viên dưới nước, như các môn lướt sóng, kayak, trượt nước, bơi đường dài và triathlon.

Nếu cảm giác dễ chịu và yên tâm là ưu tiên của bạn, Cốc nguyệt san Cocmau là lựa chọn số một. Cốc mềm dẻo vận động theo cơ thể bạn và không làm thay đổi pH âm đạo – gần như bạn sẽ quên cảm giác đến kỳ. Hãy vô tư lộn vòng hay đơn giản là làm ly cocktail khi ngâm mình trong nước, quên đi cái nóng hè.

Không chỉ thân thiện với cơ thể, cốc còn thân thiện với môi trường: bạn không cần phải lo sẽ thải rác nhựa ra đại dương xinh đẹp. Một chiếc cốc duy nhất có thể đồng hành với bạn nhiều năm, nhưng bạn sẽ cần chăm sóc nó một chút để giữ cốc trong tình trạng tốt nhất.

Bài viết này được cung cấp dưới dạng thông tin tham khảo, không phải là lời khuyên y tế. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn hay vấn đề phụ khoa / y tế nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.


Nguồn tham khảo

[1] Rivera J, Adera T, Assessing Water Quality: Staphylococci as microbial indicators in swimming pools. Journal of Environmental Health, 1991, 53(6), 29-32. Retrieved August 17, 2021, from http://www.jstor.org/stable/44537938
[2] Freiman A. Sports dermatology part 2: swimming and other aquatic sports. Canadian Medical Association Journal. 2004 Nov 23;171(11):1339–41.
[3] Russell JD, Donnelly M, Mcshane DP, Alun-Jones T, Walsh M. What causes acute otitis externa? J Laryngol Otol. 1993 Oct;107(10):898–901.
[4] Podewils LJ, Zanardi Blevins L, Hagenbuch M, Itani D, Burns A, Otto C, et al. Outbreak of norovirus illness associated with a swimming pool. Epidemiol Infect. 2007 May;135(5):827–3
[5] Kent HL. Epidemiology of vaginitis. American Journal of Obstetrics and Gynecology. 1991 Oct;165(4):1168–76.
[6] Matthewman G, Lee A, Kaur JG, Daley AJ. Physical activity for primary dysmenorrhea: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials. American Journal of Obstetrics and Gynecology. 2018 Sep;219(3):255.e1-255.e20.
[7] Maged AM, Abbassy AH, Sakr HRS, Elsawah H, Wagih H, Ogila AI, et al. Effect of swimming exercise on premenstrual syndrome. Arch Gynecol Obstet. 2018 Apr;297(4):951–9.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *