Xung quanh chiếc cốc nguyệt san vẫn bao phủ bức màn của những bí ẩn.
Chúng có thể khiến bạn chần chừ thử nghiệm với cốc. Hoặc chúng làm bạn lo lắng cả khi đã quyết định sử dụng.
Đừng lo – hầu hết những bí ẩn đó chỉ là hiểu lầm vô căn cứ.
Chúng chẳng có tác dụng gì ngoài việc khiến bạn sợ hãi cơ chế sinh học tự nhiên, bình thường nhất của một cơ thể khoẻ mạnh. Và Cocmau ở đây để đập nát những hiểu lầm đó.
“Âm đạo của mình quá rộng để dùng cốc.”
Ôi không. Âm đạo được thiết kế với các mô với những nếp gấp dày san sát nhau. Chúng xếp nếp như vỏ não và nén vào nhau bằng lực ôm của cơ sàn chậu và các nội tạng xung quanh. Thành âm đạo xếp nếp giống như đàn accordion.
Cấu trúc này cho phép cơ thành âm đạo luôn ôm khít theo hình dáng của cốc. Khi bạn tháo cốc, thành âm đạo nén vào nhau như cũ. Nó không phải là chiếc ống rỗng thẳng tuột đâu!
“Đeo cốc nguyệt san lâu sẽ làm âm đạo giãn rộng.”
Lại thêm một hiểu lầm xuất phát từ văn hoá gia trưởng.
Đánh giá giá trị của một người bằng tần suất quan hệ tình dục của họ là sai. Đo tần suất quan hệ tình dục của một người bằng độ rộng của âm đạo còn sai hơn nữa.
Âm đạo được cấu thành bởi những mô cơ, nó không giãn ra như sợi dây cao su.
Chu vi cốc nguyệt san Cocmau ở vị trí rộng nhất (miệng cốc) là 12.56 cm, xấp xỉ chu vi dương vật trung bình (11.66 cm). Cũng như chiếc dương vật trung bình, cốc nguyệt san không thể làm âm đạo rộng ra – mặc dù bọn mình ước gì nó có thể!
Khi bạn tháo cốc, thành âm đạo trở lại trạng thái nén chặt ban đầu. Cốc nguyệt san, tampon và quan hệ tình dục thường xuyên hầu như không thay đổi kích thước âm đạo hay có tác động gì tới khoái cảm tình dục. [1, 2, 3]
Bài viết liên quan: Cốc nguyệt san có làm âm đạo giãn rộng?
“Nếu chưa quan hệ tình dục thì không thể dùng được cốc nguyệt san.”
Quan hệ tình dục không khiến cho âm đạo thay đổi nhiều đến thế – nó vẫn là cơ quan kỳ diệu đó thôi. Nếu bạn chưa từng quan hệ tình dục, hoặc chưa từng thủ dâm bằng ngón tay hoặc đồ chơi tình dục, có thể bạn sẽ cần chút thời gian để làm quen với cốc. Nhưng tin chúng mình đi, không khó đến vậy đâu: hầu hết mọi người làm quen sau 1-3 kỳ kinh.
Tìm hiểu cơ thể sẽ rất có ích đấy. Hãy dùng ngón tay để tìm âm đạo – nơi bạn sẽ đưa cốc vào. Nếu chưa từng nhìn thấy âm môn của mình, hãy cầm chiếc gương tay nhỏ soi giữa hai chân, hoặc đứng trên chiếc gương.
Khám phá xem thành âm đạo chạy vào trong theo hướng nào. Dùng ngón tay sạch để với vào trong, đo chiều dài của đường kênh âm đạo, và tìm cổ tử cung nằm ở cuối. Khi chạm vào cổ tử cung, bạn sẽ có cảm giác nó tròn tròn, chắc nịch như chóp mũi. Nếu ấn nhẹ ra xung quanh, bạn sẽ thấy thành âm đạo mềm, ẩm và có thể dễ dàng mở ra để tạo không gian.
Bài viết liên quan: Gái trinh có dùng được cốc nguyệt san?
“Dùng cốc nguyệt san làm mất trinh tiết.”
Bí ẩn này xuất phát từ hiểu lầm rằng màng trinh che kín (hoặc gần kín) âm đạo như mặt trống, và sẽ bị “thủng” khi quan hệ tình dục lần đầu. Do đó, cốc nguyệt san “làm thủng” hoặc “rách” màng trinh sẽ gây mất trinh. Hiểu lầm này là sai. Theo định nghĩa y học, bạn chỉ mất trinh tiết khi quan hệ tình dục lần đầu một cách chủ động.
Thứ nhất, cốc nguyệt san không làm rách màng trinh. Màng trinh là tấm vách ngăn (tường cơ thể) đã tiêu biến dần từ khi bạn là thai nhi 5 tháng tuổi. Màng trinh, do đó, được cấu tạo từ cùng các mô cơ đàn hồi như thành âm đạo, và nó có một lỗ ở giữa để bạn hành kinh hàng tháng. Màng trinh sẽ linh hoạt ôm xung quanh chiếc cốc, thay vì rách đột ngột như chúng ta vẫn hình dung.
Thứ hai, sự tồn tại của màng trinh không đồng nghĩa với trinh tiết. Chức năng của nó là biến mất để hình thành kênh âm đạo, để bạn hành kinh hoặc tiết dịch một cách khoẻ mạnh. Ở hầu hết mọi người, tới tuổi quan hệ tình dục, màng trinh đã tiêu biến gần hết. Nhiều bạn sinh ra vốn không có màng trinh, trong khi ở một số bạn, màng trinh đàn hồi tới mức nó vẫn còn cho tới tận khi sinh em bé. Do đó, không thể dựa vào việc màng trinh còn hay mất để xác định xem một người đã quan hệ tình dục hay chưa. Hơn nữa, đã từng có ai trong chúng ta nhìn thấy màng trinh?
“Không nên đặt dụng cụ bằng silicone trong âm đạo lâu.”
Cốc nguyệt san Cocmau là trang thiết bị y tế được đăng ký với Bộ Y tế và FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ). Cocmau được làm từ 100% silicone cấp y tế, không chứa BPA, phthalates, hay cao su tự nhiên. Hiện tượng dị ứng với silicone y tế rất hiếm gặp. Với cốc nguyệt san, bạn có thể nói bye-bye với các chất hoá học trong sản phẩm kinh nguyệt dùng một lần.
Cốc nguyệt san, bao gồm Cocmau, an toàn để bạn đeo tối đa 12 giờ. Môi trường ẩm từ băng vệ sinh và tampon làm tăng khả năng viêm âm đạo do nấm Candida (yeast infection). Vì vậy, cốc nguyệt san sẽ là lựa chọn tốt hơn cả nếu cơ địa âm đạo của bạn có xu hướng dễ bị viêm, bởi cốc không đóng bẫy vi khuẩn, trơ về mặt sinh học, và cho phép âm hộ của bạn được thở thông thoáng.
Trong một meta review năm 2019 phân tích mức độ an toàn của cốc nguyệt san, các nhà nghiên cứu xem xét 43 nghiên cứu liên quan tới cốc. Nghiên cứu cho thấy cốc nguyệt san không làm ảnh hưởng tới hệ thực vật âm đạo, yếu tố cực kỳ quan trọng giúp âm đạo khoẻ mạnh và không bị viêm nhiễm. Nghiên cứu meta còn chỉ ra rằng, ở người dùng cốc nguyệt san, mức độ phổ biến của viêm nhiễm do nấm Candida (loại hình viêm âm đạo phổ biến thứ hai) thấp hơn so với người dùng tampon và băng vệ sinh. [4]
“Cốc nguyệt san có thể tụt mất vào bên trong”
Không đâu! Âm đạo không phải là một chiếc ống thăm thẳm vào trong – nó chỉ dài hơn ngón tay một chút, trung bình 7-12cm. Cổ tử cung giống như một chiếc nút chai nho nhỏ chặn ở cuối âm đạo, vì thế cốc có thể dịch lên cao một chút tuỳ vị trí của cổ tử cung, nhưng không có chỗ nào để chui vào sâu hơn.
Nếu bạn không tìm được cuống cốc hoặc gặp khó khăn khi tháo, hãy thử những gợi ý tại đây nhé.
Bài viết liên quan: Cốc nguyệt san bị kẹt? Xử lý với 5 bước đơn giản
“Kinh nguyệt chảy ngược vào trong khi nằm xuống.”
Trên cổ tử cung có một lỗ nhỏ hơn đầu đũa mà thông qua đó, tử cung sẽ liên tục chủ động co bóp để đẩy kinh nguyệt vào âm đạo. Dịch kinh nguyệt chỉ có thể ở trong khoang âm đạo và bên trong cốc mà thôi. Kể cả khi bạn trồng cây chuối, kinh nguyệt cũng không chảy ngược vào trong.
“Cốc nguyệt san chặn dòng kinh nguyệt.”
Chiếc cốc chỉ hứng kinh nguyệt ở cuối đường kênh âm đạo. Tử cung vẫn vận động co bóp bình thường để đẩy kinh nguyệt ra ngoài thông qua cổ tử cung, nhờ hormone prostaglandin. Cốc không làm tắc kinh nguyệt trong tử cung hay làm giảm đi lượng máu kinh. Bạn cũng sẽ tháo cốc trong vòng 5-12 giờ để đổ sạch kinh nguyệt. Do cốc tách biệt máu kinh khỏi không khí, nên thậm chí vi khuẩn sẽ không có cơ hội sinh sôi để gây mùi hôi tanh như khi sử dụng băng vệ sinh.
“Kinh nguyệt ra nhiều thì không thể dùng cốc nguyệt san.”
Chúng mình hứa với bạn là không nhiều như bạn nghĩ đâu. Cơ chế thấm hút của tampon và cốc nguyệt san để lại màu kinh nguyệt trên bề mặt sản phẩm, và do đó tạo ấn tượng là bạn có nhiều kinh nguyệt hơn thực tế. Trung bình, một kỳ kinh, bạn chỉ mất khoảng 35-80ml kinh nguyệt: nhiều nhất là 12 muỗng cà phê nhỏ xíu!
Cocmau có dung tích 20ml, gấp 4 lần tampon thường (5ml) và 2 lần băng vệ sinh (10ml). Vì vậy bạn sẽ không cần ghé thăm nhà vệ sinh nhiều như khi sử dụng sản phẩm kinh nguyệt truyền thống.
“Kinh nguyệt ra ít không thể dùng cốc nguyệt san.”
Tất nhiên là bạn dùng được! Chiếc cốc không làm vùng kín của bạn bị khô rát như tampon hay băng vệ sinh. Kết hợp với thời gian sử dụng lên tới tối đa 12 giờ, còn lý do nào để bạn trì hoãn tự do kinh nguyệt?
“Khi đến tháng thì không thể tập thể thao được.”
Mọi việc bạn vẫn làm ngoài kỳ kinh nguyệt, bạn có thể làm được khi đeo cốc. Bơi, đạp, chạy, yoga, hiking hay nhảy dù? Cốc nguyệt san là ứng viên số một cho thể thao. Kỳ kinh nguyệt không còn là lý do cản trở lịch tập luyện hay những chuyến dã ngoại nữa.
Bơi lội tất nhiên là mối lo lắng lớn nhất cho các bạn sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon. Người dùng tampon nào cũng có thể đảm bảo với bạn: giây phút mà bạn ấy nhảy xuống bể, chiếc tampon đã đi tong. Cốc nguyệt san Cocmau chứa được lượng kinh nguyệt gấp 3-4 lần tampon, ít khả năng rò rỉ hơn nhờ cơ chế giác hút kín, và không thấm hút nước bể. Bạn có thể yên tâm tập luyện hàng giờ hay chơi đùa cả ngày ở bãi biển.
“Không đi vệ sinh được khi dùng cốc nguyệt san.”
Dù bạn đi vệ sinh nặng hay nhẹ, chiếc cốc không ảnh hưởng gì tới các cơ chế này. Cốc nguyệt san được đặt trong âm đạo, tách biệt với niệu đạo và hậu môn. Bạn có thể đi vệ sinh mà không cần tháo cốc.
“Dịch kinh nguyệt sẽ vung vãi khắp nơi khi tháo cốc ra.”
Dịch kinh nguyệt có độ sánh đặc nên sẽ ở yên trong cốc chứ không vung vãi khắp nơi. Cốc nguyệt san không bừa bộn hơn so với băng vệ sinh hay tampon, có lẽ trừ một vài kỳ kinh đầu tiên khi bạn đang làm quen với cốc. Vì vậy trước hết hãy tập tháo cốc trong nhà tắm nhé.
Xem hướng dẫn tháo cốc gọn gàng tại đây.
“Khi cốc nguyệt san ố vàng thì cần phải thay cốc mới.”
Cốc nguyệt san ố vàng không ảnh hưởng gì tới công dụng hay mức độ an toàn của chiếc cốc. Một ít cặn sắt và kẽm sẽ tích tụ dần trên bề mặt cốc sau nhiều năm sử dụng, miễn là bạn vẫn khử trùng cốc 1 lần/tháng thì chẳng có gì đáng lo. Bạn cũng không cần phải tẩy màu cốc thì mới sử dụng tiếp được. Nếu bạn muốn chiếc cốc trở lại màu sáng như mới, hãy dùng oxy già hoặc nước cốt chanh để khử sắt. Xem hướng dẫn tại đây.
“Cần phải khử trùng cốc nguyệt san trước MỌI kỳ kinh.”
Không hẳn là thế. Tất nhiên chúng mình luôn khuyến khích mọi người làm vậy, nhưng nếu bạn lỡ một kỳ kinh không có điều kiện khử trùng, thế giới cũng chẳng kết thúc ở đó. Chỉ cần rửa cốc bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh trước khi bạn đưa cốc vào là được. Trước lần đầu tiên sử dụng, đừng quên khử trùng Cocmau trong 5 phút.
“Bị lạc nội mạc tử cung không dùng được cốc nguyệt san.”
Cốc nguyệt san an toàn cho bạn kể cả khi bạn có lạc nội mạc tử cung, vì nó không chứa lượng dư chất hoá học có thể gây rối loạn nội tiết tố trong thời gian dài như băng vệ sinh hay tampon.
Nếu lượng kinh nguyệt của bạn ra nhiều, bạn sẽ cần tháo cốc thường xuyên hơn một chút. Cốc cũng giúp bạn xử lý máu kinh có vón cục tốt hơn so với tampon hay băng vệ sinh.
Tất nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ sản-phụ khoa của bạn trước!
“Cổ tử cung ngả sau không dùng được cốc nguyệt san.”
Bạn có thể dùng cốc bình thường. Cốc được thiết kế để nằm bên dưới cổ tử cung và tạo giác hút kín với thành âm đạo. Dù cổ tử cung của bạn ngả hướng nào, nó cũng hầu như không ảnh hưởng tới vị trí và khả năng hứng kinh nguyệt của cốc.
Cũng có trường hợp mà cổ tử cung ngả sau hoặc sang bên ảnh hưởng tới vị trí của cốc. Đó là khi cổ tử cung chừa lại nhiều không gian ở một bên, và chiếc cốc được đẩy vào đúng góc này, vượt qua lỗ nhỏ nằm ở giữa cổ tử cung, nơi đẩy máu kinh ra ngoài. Trước hết hãy tìm cổ tử cung của bạn, và luôn đảm bảo đặt cốc thấp hơn vị trí cổ tử cung khi bạn đeo cốc.
Xem hướng dẫn tìm cổ tử cung tại đây.
Chúng mình đã giải đáp đúng điều bạn đang tìm?
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về cốc nguyệt san, hãy để lại bình luận dưới đây, và chúng ta sẽ cùng khám phá nhé!
Tài liệu tham khảo
[1] Farage M., Maibach H. Lifetime changes in the vulva and vagina. 2006 Jan 1. Archives of gynecology and obstetrics(4):195–202
[2] Pendergrass P.B., Reeves C.A., Belovicz M.W., Molter D.J., White J.H. 1996 Jul 1. The shape and dimensions of the human vagina as seen in three-dimensional vinyl polysiloxane casts. Gynecologic and obstetric investigation. 42(3):178–82.
[3] Schimpf M.O., Harvie H.S., Omotosho T.B., Epstein L.B., Jean-Michel M., Olivera C.K., Rooney K.E., Balgobin S., Ibeanu O.A., Gala R.B., Rogers R.G. 2010 Apr 1. Does vaginal size impact sexual activity and function?. International urogynecology journal 21(4):447–52.
[4] Van Eijk, A. M., Zulaika, G., Lenchner, M., Mason, L., Sivakami, M., Nyothach, E., Unger, H., Laserson, K., & Phillips-Howard, P. A. (2019). Menstrual cup use, leakage, acceptability, safety, and availability: A systematic review and meta-analysis. The Lancet Public Health 4(8), e376-e393. https://doi.org/10.1016/s2468-2667(19)30111-2
Leave a Reply