Posted on Leave a comment

Sự tiến hoá của sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt

Sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là quá trình sinh học xưa như lịch sử của chính loài người. Từ hàng triệu năm nay, chúng ta vẫn luôn phải tìm cách chăm sóc khoảng thời gian bừa bộn hơn so với phần còn lại của vòng kinh.

Thế kỷ 21 là thời đại hoàng kim cho những ai có kinh nguyệt, đặc biệt là khi ta có những phát minh hữu ích như cốc nguyệt san. Thế nhưng, trước khi ta có quyền lựa chọn tampon hay cốc nguyệt san, hữu cơ hay không hữu cơ, tái sử dụng hay dùng một lần, khi nhắc đến sản phẩm dành cho kỳ kinh nguyệt, phụ nữ vốn có khá ít lựa chọn thoải mái, an toàn trong tầm tay.

Hãy thắt dây an toàn và cùng Cocmau đi tìm hiểu sự tiến hoá của những sản phẩm kinh nguyệt – đảm bảo với bạn đó sẽ là một câu chuyện dài và đầy kỳ lạ.

Chăm sóc kinh nguyệt thời kỳ cổ đại

Ngày nay, nhiều bạn vẫn có thể cảm thấy không thoải mái khi sử dụng sản phẩm kinh nguyệt đặt bên trong âm đạo. Ngạc nhiên thay, những dụng cụ kinh nguyệt đầu tiên được ghi trong sử sách lại rất giống chiếc tampon hiện đại.

Từ khoảng 1550 TCN, phụ nữ Ai Cập cổ đại đã vò cây papyrus – loại cây dùng để dệt vải, làm thức ăn và làm giấy – thành những miếng tampon mềm, thấm hút. Còn ở Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của nền y học hiện đại Hippocrates ghi chép trong tài liệu của mình về dụng cụ làm bằng sợi vải bọc quanh một mẫu gỗ, dùng để đặt trong âm đạo thấm máu kinh.

Phụ nữ cổ đại sử dụng bất kỳ nguyên liệu nào dồi dào môi trường sống của họ để thấm hút hoặc che chắn kinh nguyệt. Với người Mỹ bản xứ, đó là da bò và rêu. Với phụ nữ Nhật, đó là giấy thấm. Họ còn sử dụng bọt biển để thấm hút kinh nguyệt – sản phẩm kinh nguyệt cổ xưa mà cho tới ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng. Có mặt trên Trái Đất từ gần một tỉ năm trước, bọt biển rất có khả năng là một trong những loài động vật đầu tiên có mặt trên hành tinh. Ai mà tin được chiếc bông tắm treo trong buồng tắm cũng có lịch sử kỳ thú đến vậy!

Thời trung cổ: Băng vệ sinh may tại nhà

Chân dung Hypatia, nhà nữ toán học Hy Lạp cổ đại ném băng vệ sinh để đuổi một người đàn ông đi.

Vào thế kỷ thứ 4, sử sách ghi lại sự việc Hypatia, nhà nữ toán học – triết gia đầu tiên, ném miếng vải thấm máu kinh của bà vào một người đàn ông để đuổi ông ta đi. Không chỉ là một cử chỉ nổi loạn chống lại xã hội nam quyền mà bà đang sống, việc này còn cho ta biết rằng từ thời La Mã, người ta đã dùng vải để thấm máu kinh nguyệt, tránh nó thấm ra quần áo bên ngoài.

Vải vóc thời kỳ La Mã vẫn là thứ hàng hoá xa xỉ, nhưng dần dần với công nghệ dệt phổ biến hơn, tới thời Trung Cổ, hầu hết phụ nữ có thể tự may băng vệ sinh tại nhà từ vải vụn. Ở Trung Quốc xưa, người ta còn tạo lớp thấm hút cho băng bằng cách ép cỏ khô hoặc cát để may vào giữa hai lớp vải. Ở Việt Nam, chúng ta từng có vải màn dệt mỏng, gấp thành nhiều lớp để tăng khả năng thấm hút. Đây là một lựa chọn phổ biến của phụ nữ Việt cho tới tận khi băng vệ sinh thương mại xuất hiện trên thị trường Việt Nam vào thập niên 1980.

Thế kỷ 19: Những bước tiến thương mại đầu tiên

Sản phẩm chăm sóc kinh nguyệt tiếp tục có những bước phát triển chậm chạp và hết sức cồng kềnh. Tiêu biểu trong số đó là chiếc tạp dề kinh nguyệt.

Chiếc tạp dề bằng cao su buộc xung quanh hông, có tấm lót giữa hai chân để ngăn máu kinh thấm ra váy hoặc ghế ngồi. Với chất liệu bí mồ hôi và gây mùi, thiết kế vướng víu, đây quả là một sản phẩm chỉ tập trung vào việc che giấu sự thật rằng người phụ nữ đang hành kinh thay vì ưu tiên cảm giác thoải mái của cô ấy. Chiếc tạp dề kinh nguyệt, may thay, nhanh chóng bị thất sủng.

Tạp dề kinh nguyệt của thế kỷ 19 hết sức cồng kềnh, bất tiện
Tạp dề kinh nguyệt của thế kỷ 19 hết sức cồng kềnh, bất tiện

Cuối thế kỷ 19, công ty Johnson & Johnson tung ra thị trường thương hiệu khăn vệ sinh Lister (Lister’s Towels). Đây là hãng sản phẩm kinh nguyệt sử dụng một lần có mặt đầu tiên trên thị trường, được sản xuất hàng loạt từ gạc y tế và cotton. Trước khi được bán riêng biệt làm dụng cụ chăm sóc kinh nguyệt, nó đã có trong các kit sinh sản để thấm hút sản dịch sau sinh. Tuy nhiên, khăn vệ sinh Lister là một thất bại thương mại vì không thể quảng cáo được trên các phương tiện truyền thông. Thêm vào đó, chi phí sản xuất hàng loạt còn rất đắt đỏ, nên các sản phẩm sử dụng một lần hầu như chỉ là đặc quyền của phụ nữ tầng lớp thượng lưu.

Thế kỷ 20: Sự thống trị của sản phẩm kinh nguyệt sử dụng một lần

1921: Băng vệ sinh hiện đại ra đời

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các y tá người Pháp phát hiện ra rằng băng gạc bằng cellulose thấm máu tốt hơn nhiều lần cotton, nên họ tận dụng chúng cho dịch kinh nguyệt. Được trang bị kiến thức này, khi chiến tranh kết thúc, Kimberly Clark – một công ty sản xuất băng gạc y tế – cho ra đời Kotex vào năm 1921. Đây là thương hiệu đầu tiên thành công với việc bán sản phẩm kinh nguyệt trên thị trường đại chúng. Chiến lược “marketing kín” của Kotex đã thành công: khi phụ nữ tới cửa hàng, họ chỉ cần nói tên sản phẩm là người bán hàng tự hiểu, không cần bày bán trên gian hàng.

Thế nhưng, lúc này chiếc băng vệ sinh vẫn rất cồng kềnh và không tự dính được. Phụ nữ thường phàn nàn vì chúng bị xộc xệch khiến họ không dám vận động và rất hay gặp “tai nạn”. Vì vậy họ phải mua kèm chiếc đai kinh nguyệt để cố định chúng. Nếu bạn từng đọc cuốn sách cấm nổi tiếng về tuổi dậy thì, Chúa ơi, ngài có ở đó không? Là con Margaret đây, bạn sẽ biết rằng những chiếc đai to đùng này vẫn còn có mặt tới tận thập niên 1970, khi băng vệ sinh bắt đầu có vạch keo dính ở lưng.

Để mua băng vệ sinh, ask for them by name.
Đai cố định băng/khăn vệ sinh

1931: Earle Haas và hãng tampon đầu tiên

Một thập kỷ sau băng vệ sinh, chiếc tampon thương mại xuất hiện. Trước đó, tampon vẫn được sử dụng trong ngành y tế. Bác sĩ dùng chúng để cầm máu những vết thương sâu, hoặc thấm đẫm chúng trong thuốc để đặt vào âm đạo.

Vào năm 1931, Earle Haas nộp đơn bảo hộ sáng chế chiếc tampon mà chúng ta sử dụng phổ biến ngày nay: một ống đặc làm bằng vải nén, có gắn sợi dây để kéo ra, tất cả đặt bên trong cái ống rỗng bằng nhựa. Cải tiến của Haas giải quyết những phàn nàn trước đó về tampon rằng chúng “mất vệ sinh, rò rỉ, khó dùng” – xuất phát từ nỗi sợ tiếp xúc trực tiếp với kinh nguyệt và âm đạo. Sau đó, Gertrude Tendrich mua lại phát minh của Earle Haas với giá $32,000 và cho ra đời thương hiệu Tampax, mở ra kỷ nguyên của sản phẩm kinh nguyệt dùng một lần.

Văn bằng sáng chế của Earle Haas, cho thấy chiếc tampon từ năm 1931 đã giống với tampon ta sử dụng ngày nay.

Không ai còn nghĩ tới việc tự sản xuất băng vệ sinh tại nhà. Những chiếc băng vệ sinh vải tưởng như đã là quá khứ. Thế nhưng, kỷ nguyên này chẳng phải toàn màu hồng. Tới những năm 1980, hàng trăm phụ nữ trẻ đã mất mạng vì Hội chứng Sốc nhiễm độc, một bệnh nhiễm khuẩn đường âm đạo nguy hiểm có liên quan tới một thương hiệu tampon. Thương hiệu này bị thu hồi hàng loạt khỏi thị trường ngay lập tức.

Kể từ đó, phụ nữ bắt đầu có nhận thức cao hơn về những chất liệu an toàn, phù hợp để đặt trong cơ thể. Các nhóm hoạt động nữ quyền liên tục cáo buộc và gây áp lực lên các nhà sản xuất tampon có sử dụng chất tẩy, dioxin, hoặc nguyên liệu thấm hút không đủ an toàn trong thành phần. Đồng thời, gánh nặng lên môi trường của các sản phẩm kinh nguyệt một lần cũng ngày một lớn. Đây là tiền đề mở ra thế kỷ 21, kỷ nguyên mà sản phẩm kinh nguyệt tái sử dụng từng bước một chiếm lĩnh thị trường.

Thế kỷ 21: Kỷ nguyên của sản phẩm kinh nguyệt tái sử dụng

Không có gì đáng để tranh cãi, thế kỷ 21 là thời đại của cốc nguyệt san. Mặc dù thường bị nhầm là sản phẩm kinh nguyệt hiện đại, ngạc nhiên thay, chiếc cốc nguyệt san đã xuất hiện từ trước cả tampon và băng vệ sinh.

1897: Tổ tiên của cốc nguyệt san

Tổ tiên của cốc nguyệt san được đăng ký bằng sáng chế từ năm 1867 bởi S.L. Hockert. Với cái tên catamenial sack, chính xác hơn, nó phải được gọi là “túi kinh nguyệt”. Dụng cụ này có hình túi nhỏ bằng cao su, miệng nong rộng bằng một cái vòng, ở đáy túi gắn với một sợi dây, đầu kia sợi dây gắn vào cái đai đeo quanh hông. Một vài phiên bản tương tự của chiếc túi nguyệt san xuất hiện vào thời kỳ này, nhưng chưa từng được sản xuất đại trà.

Túi chứa kinh nguyệt của Hockert, sản phẩm kinh nguyệt được xem là tổ tiên của cốc nguyệt san.
Túi kinh nguyệt Hockert
Dụng cụ hỗ trợ cơ sàn chậu, được xem như một trong những bản nháp đầu tiên của cốc nguyệt san.
Dụng cụ hỗ trợ cơ sàn chậu, được xem như một trong những bản nháp đầu tiên của cốc nguyệt san.

1937: Leona Chalmers và chiếc cốc nguyệt san hiện đại

Leona Chalmers, một vũ công và diễn viên người Mỹ, nộp đơn cấp bằng sáng chế cho chiếc cốc nhỏ làm bằng cao su, đặt trong âm đạo để hứng kinh nguyệt vào năm 1937. Văn bằng sáng chế khẳng định rằng chiếc cốc không gây ra “cảm giác khó chịu, hay nhận thức về sự có mặt của cốc”, cho phép người dùng “mặc quần áo mỏng, bó sát người”, không có kim băng, đai hay kẹp nào hết.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, gây ra thâm hụt nguồn cung cao su. Chalmers buộc phải tạm dừng việc sản xuất cốc nguyệt san. Sau chiến tranh, chiếc cốc mới xuất hiện lại với tên thương mại Tassette. Thế nhưng, lúc này, người dùng đã hình thành thói quen vứt bỏ sản phẩm kinh nguyệt đi sau khi sử dụng, trong khi những người sử dụng cốc lại rất hài lòng và không cần mua thêm cốc mới. Đó là lý do tới những năm 1970, Tassette và người em sử dụng một lần của nó, cốc Tassaway, lại phải ngừng hoạt động kinh doanh.

Leona Chalmers được xem là người phát minh ra chiếc cốc nguyệt san hiện đại, với cả hai phiên bản tái sử dụng và sử dụng một lần.
Cốc nguyệt san Tassaway sử dụng một lần (trên) và cốc Tassette tái sử dụng (dưới)
Trong trang quảng cáo cốc nguyệt san đầu tiên trong lịch sử, Chalmers khẳng định đã tìm ra lời giải cho vấn đề xưa như Eva. Phụ nữ còn rất ngại mua sản phẩm kinh nguyệt tại cửa hàng, vì vậy họ đặt hàng qua thư bằng coupon ở cuối tin quảng cáo.
Trong trang quảng cáo cốc nguyệt san đầu tiên trong lịch sử, Chalmers khẳng định đã tìm ra lời giải cho vấn đề xưa như Eva. Phụ nữ còn rất ngại mua sản phẩm kinh nguyệt tại cửa hàng, vì vậy họ đặt hàng qua thư bằng coupon ở cuối tin quảng cáo.

1980: Cốc nguyệt san tái xuất

Thập niên 1980, cốc nguyệt san tái xuất với hãng The Keeper, chiếc cốc cao su vẫn còn được bán trên thị trường tới ngày nay. Đầu thế kỷ 21, chất liệu sillicone y tế bắt đầu trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp cốc nguyệt san. Chiếc cốc trở nên nhẹ hơn, kháng khuẩn tốt hơn, và những ai bị dị ứng cao su giờ mới có thể dùng cốc.

2020: Cốc nguyệt san Cocmau ra đời

Tới thế kỷ 21, cùng với sự ra đời của các doanh nghiệp nhỏ vận hành bởi phụ nữ, chiếc cốc nguyệt san ngày càng được cải tiến cho phù hợp cơ địa của những người thực sự sử dụng chúng. Một trong số đó là Cốc nguyệt san Cocmau.

Năm 2017, Cocmau CEO và Founder, Nguyễn Thị Huyền Dương, một du học sinh Nhật, chán ngấy với việc phải ngừng đi bơi mỗi khi đến kỳ, bắt đầu tìm giải pháp cho vấn đề của mình. Dương gặp và yêu cốc nguyệt san từ cái nhìn đầu tiên. Không chỉ cho phép Dương duy trì lịch tập luyện đều đặn, cốc còn giúp Dương hết hẳn cảm giác khô rát và xu hướng dễ viêm nhiễm sau khi kỳ kinh kết thúc, gây ra bởi băng vệ sinh.

Thế nhưng, khi về Việt Nam và làm mất chiếc cốc yêu thích, Dương không thể tìm được chiếc cốc thay thế nào vừa vặn với cấu tạo cơ thể mình. Với cổ tử cung ở mức trung bình, các cốc nguyệt san có sẵn trên thị trường quá dài, quá lớn, luôn gây ra cảm giác cộm khi đeo, khiến Dương không thể đứng ngồi thoải mái. Khi biết bạn bè mình gặp vấn đề tương tự, Dương bắt đầu hành trình tạo nên Cocmau.

Cốc nguyệt san Cocmau có những chi tiết cải tiến nhỏ nhưng mang lại khác biệt lớn trong trải nghiệm kinh nguyệt.
Cocmau có những chi tiết cải tiến nhỏ nhưng mang lại khác biệt lớn trong trải nghiệm kinh nguyệt.

Ra mắt thị trường năm 2020, chiếc cốc nhỏ nhắn, phù hợp với độ cao cổ tử cung trung bình của phụ nữ Việt Nam, ngay lập tức giải quyết khúc mắc bấy lâu nay của người dùng. Với cuống tròn cải tiến, Cocmau giúp cốc nguyệt san trở nên thân thiện hơn với người dùng khuyết tật. Ngay cả các bạn sử dụng lần đầu cũng cảm thấy thoải mái hơn khi có chỗ bám chắc chắn để tháo cốc, không còn cảm giác căng thẳng vì bị trơn trượt.

Sau hơn hàng nghìn năm tiến hoá của sản phẩm kinh nguyệt, Cốc nguyệt san Cocmau tự hào vì có thể đem tới cho người dùng sản phẩm mà chúng mình kỳ công chăm chút và những tuần kinh nguyệt dễ chịu. Quả là một quãng đường xa mà chúng ta đã đi, từ những chiếc băng vải may tại nhà và những chiếc đai kỳ lạ. Hãy cùng nâng ly vì một kỷ nguyên mới của sáng tạo và cải tiến!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *