Mỗi tháng, trung bình, bạn tạo ra khoảng 10 – 80 ml kinh nguyệt, với 35 ml được xem là mức trung bình [2]. Mặc dù chúng ta vẫn thường nhắc đến máu kinh, tên gọi đúng là dịch kinh nguyệt. Máu không phải là thứ duy nhất mà bạn hứng vào cốc mỗi tháng đâu!
Dịch kinh nguyệt có chứa…
Máu
Một nửa của dịch kinh nguyệt là máu, trong đó chứa natri, canxi, photphat, sắt và clorua. Nồng độ mỗi chất sẽ phụ thuộc vào từng cơ thể, và hãy chú ý rằng có cả một phổ màu cho máu kinh. Máu kinh ngả màu đỏ thẫm hoặc nâu đen do mất nhiều thời gian để ra khỏi cơ thể, nên đã kịp oxy hoá.
Nội mạc tử cung
Có thể bạn sẽ thấy những khối nhớt của nội mạc tử cung bong tróc. Việc này xảy ra mỗi khi tế bào trứng không được thụ tinh, và không cấy mình vào được nội mạc trong chu kỳ. Những khối nhớt này là một dấu hiệu tốt – cơ thể bạn đang rất khoẻ mạnh nên nội mạc dày dặn.
Dịch âm đạo và cổ tử cung
Hiển nhiên là dịch tiết từ âm đạo và cổ tử cung sẽ ra ngoài cùng đường với máu kinh. Hỗn hợp chất lỏng này chủ yếu chứa nước và các chất điện giải, như natri và kali — dung dịch ion giúp giữ độ pH của âm đạo thấp, ngăn chặn vi khuẩn ngoại lai phát triển.
Thành phần điện giải của dịch kinh nguyệt giống hệt phân bón mà bạn mua ngoài cửa hàng. Dù ý tưởng này có vẻ điên rồ, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn dùng máu kinh để bón cây!
Vi khuẩn
Vi khuẩn tích tụ một cách tự nhiên khi bạn tới gần kỳ kinh, bởi môi trường âm đạo trở nên ẩm hơn. Nhưng đừng lo! Âm đạo của bạn có cơ chế tự tiêu diệt vi khuẩn nhờ tính acid nhẹ. Bạn sẽ dễ gặp viêm nhiễm khi làm mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn. Vì vậy hãy tránh các sản phẩm thấm hút kinh nguyệt để giữ cân bằng hệ vi sinh vật, hạn chế viêm nhiễm, kích ứng.
Dịch kinh nguyệt không chứa…
Chất làm đông máu
Mặc dù có những cục máu đông cấu thành từ nội mạc tử cung, bản thân máu kinh có ít độ nhớt. Đó là bởi vì nó không chứa các protein như hemoglobin, prothrombin, thrombin và fibrinogen. Máu kinh cũng chứa ít sắt và tiểu cầu hơn máu tĩnh mạch.
Mùi
Thử nghĩ mà xem, khi bạn chảy máu trên tay, bạn thấy có mùi không? Bản thân dịch kinh nguyệt không có mùi. Nó chỉ hình thành mùi khi vi khuẩn (cộng với một ít đồng và sắt) trong thành phần đã nằm trên miếng băng vệ sinh quá lâu. Cơ thể bạn chỉ đang ra dấu hiệu rằng đã đến lúc bạn chú ý chăm sóc nó một chút. Thế nên, đừng quá khắt khe với kinh nguyệt nhé.
Vậy còn kỳ kinh khi bạn uống thuốc tránh thai?
Kỳ kinh bạn trải nghiệm khi uống thuốc tránh thai nội tiết có cơ chế hoàn toàn khác chu kỳ thông thường.
Để bạn hành kinh, cơ thể trải qua một vòng tuần hoàn hormone hàng tháng, giúp tái tạo nội mạc tử cung vào nửa đầu của chu kỳ, và chuẩn bị cho bức tường thành nội mạc đó bong tróc ra vào nửa sau của chu kỳ, tạo thành máu kinh.
Tìm hiểu thêm: Chu kỳ kinh nguyệt – Điệu nhảy của những hormone
Thuốc tránh thai nội tiết cung cấp cho cơ thể bạn một lượng hormone tổng hợp, duy trì mức độ hormone mỗi ngày trong chu kỳ giống hệt nhau, thay vì tuần hoàn như chu kỳ tự nhiên [1]. Nồng độ hormone trong cơ thể được duy trì để mô phỏng pha hoàng thể. Hãy hình dung cơ thể đang ở trong một cơn deja vu – nửa sau của chu kỳ kéo dài mãi mãi, miễn là bạn còn uống thuốc, và do đó:
- Cơ thể không nhận được tín hiệu để bắt đầu một chu kỳ mới, nên không tiết ra hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone LH. Tế bào trứng không chín, không có sự phóng noãn, nên sự thụ thai không thể xảy ra. (Dù quan điểm của bạn về thuốc tránh thai nội tiết là gì, ý tưởng này quả thực rất thông minh phải không?)
- Vòng tuần hoàn hormone kiểm soát việc tái tạo và bong tróc nội mạc tử cung ngừng lại. Nội mạc sẽ mỏng dần, và trong một vài trường hợp hiếm, không sinh ra thêm nữa.
Vì vậy, khi uống thuốc, bạn sẽ thấy lượng kinh nguyệt nhẹ đi, bớt độ dính, hoặc đôi khi hết hẳn máu kinh.
Nguồn tham khảo
[1] Hill, Sarah. This Is Your Brain on Birth Control. Avery, 2019.
[2] “Periods.” NHS. National Health Service UK. 05 August 2019. https://www.nhs.uk/conditions/periods/.
Leave a Reply