Posted on 2 Comments

Âm đạo 101: Mọi điều bạn cần biết về Cơ quan sinh dục nữ

Làm quen với cơ quan sinh dục là bước đầu để dành lại quyền kiểm soát sức khoẻ sinh sản. Lấy một tấm gương nhỏ, và cùng chúng mình tìm hiểu!

Bạn có từng băn khoăn âm vật nằm ở đâu? Thế nào là âm hộ khoẻ mạnh? Màu sắc của nó nên như thế nào? Làm sao để vệ sinh đúng cách?

Âm đạo là một trong những bộ phận gần gũi và quan trọng nhất. Thế nhưng, vì những định kiến xung quanh cơ thể và sức khoẻ sinh sản, thật khó mà chia sẻ kiến thức đúng và thái độ tích cực về âm đạo.

Với Cocmau thì khác. Không có gì là quá nhiều thông tin khi bạn ghé thăm không gian của chúng mình.

Trả lại đúng tên cho cơ quan sinh dục nữ

Chúng ta vẫn thường gọi chung bộ phận sinh dục là âm đạo. Về mặt giải phẫu, tên gọi này không chính xác. Cơ quan sinh sản bên ngoài mà bạn có thể quan sát được gọi chung là âm hộ. Còn âm đạo là đường kênh bên trong nối âm hộ với cơ quan sinh sản trong. Âm đạo là nơi dương vật đi vào trong khi quan hệ tình dục, nơi kinh nguyệt thoát ra, và trở thành kênh sinh cho em bé chui ra khi sinh nở (nếu việc sinh thường nằm trong kế hoạch của bạn).

Tất nhiên, hãy vô tư tiếp tục gọi tên âm đạo – mọi người đều hiểu ý bạn là gì, và cả chúng mình cũng sẽ làm vậy trong ngữ cảnh hàng ngày. Nhưng việc biết đúng thuật ngữ giải phẫu sẽ có ích cho sức khoẻ của bạn.

Và đây là gợi ý điên rồ từ chúng mình: hãy thử lấy chiếc gương tay để quan sát cơ thể bạn khi đọc bài viết này. Ngồi xổm trên tấm gương có vẻ lạ kỳ, thế nhưng, đã bao giờ bạn thật sự quan sát âm đạo, một cách thấu hiểu, kỹ càng và âu yếm? Tin chúng mình đi, đó sẽ là bước đầu để giành lại quyền kiểm soát sức khoẻ bạn, trong một xã hội không ngừng bảo ta phải nghĩ gì về cơ thể của chính mình.

Làm quen với cơ thể bạn

Cơ quan sinh dục ngoài

Toàn bộ cơ quan sinh dục mà bạn quan sát được bên ngoài gọi chung là âm hộ

Toàn bộ cơ quan sinh dục mà bạn quan sát được bên ngoài gọi chung là âm hộ, bao gồm:

Mu (mons pubis). Mô mỡ tròn nằm bên dưới lớp lông, phía trước âm đạo. Nó che chở các cơ quan sinh dục trong, tạo lớp đệm êm cho xương mu bên dưới trong khi quan hệ tình dục.

Môi lớn (labia majora). Lớp da gấp nếp kéo dài từ mu xuống tới hậu môn, cấu tạo từ mô mỡ êm, chứa rất nhiều tuyến dầu và tuyến mồ hôi, với tác dụng bảo vệ các cơ quan bên trong khi bạn vận động thường ngày, chẳng hạn như đạp xe, chạy bộ hay đơn giản là ngồi xuống. Màu sắc môi lớn ở mỗi người có thể khác nhau: nâu, đỏ, tím hoặc hồng. Mặc dù thông thường môi lớn dày và dài hơn môi bé, ở nhiều người, môi bé cũng có thể to bằng hoặc to hơn môi lớn. Ở môi lớn có các nang lông, vì vậy từ tuổi dậy thì, bạn sẽ thấy lông bao phủ từ mu xuống tới môi lớn.

Môi bé (labia minora). Lớp da mỏng gấp nếp có sắc tố, nằm giữa môi lớn, ôm hai bên lỗ niệu đạo và cửa âm đạo. Khu vực nằm giữa hai môi bé là tiền đình âm đạo (vaginal vestibule), bao gồm lỗ niệu đạo và cửa âm đạo. Môi bé không chỉ bảo vệ tiền đình âm đạo khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, mà còn chứa vô số các đầu dây thần kinh tạo nên khoái cảm tình dục. Môi bé có các tuyến dầu, nhưng không có tuyến mồ hôi và nang lông.

Môi bé có cả một phổ màu từ hồng nhạt cho tới nâu đen. Một số bạn có môi bé mỏng đến hầu như không thấy được, trong khi các bạn khác có môi bé lớn hơn và nằm một phần bên ngoài môi lớn, hoặc hai bên có kích thước khác nhau. Điều đó là khoẻ mạnh và hết sức bình thường.

Mũ âm vật (clitoral hood). Cái nắp bằng da gấp nếp nằm bên trên âm vật, ngay bên dưới mu, hình thành ở nơi hai môi bé gặp nhau. Nó bảo vệ cái chóp nho nhỏ hết sức nhạy cảm của âm vật khỏi ma sát trong cuộc sống hàng ngày. Hãy nghĩ mà xem: 8000 đầu dây thần kinh tập trung tại một điểm nhỏ xíu!

Âm vật (clitoris). Cơ quan dành cho khoái cảm và không có chức năng gì khác. Mọi người thường hiểu nhầm rằng âm vật chỉ có đúng một điểm nhỏ như hạt đậu. Thực tế, kích thước đầy đủ của âm vật gần bằng dương vật. Nó rẽ làm hai nhánh ôm xung quanh âm đạo, kéo dài về phía sau, mỗi nhánh dài từ 7-12cm, được cấu thành từ những mô cơ có thể cương cứng khi được bơm đầy máu trong trạng thái kích thích. Cấu trúc đầy đủ của âm vật mới được phát hiện vào năm 1998, và các nhà khoa học tin rằng nó giải thích cho sự tồn tại bí ẩn của điểm G: có thể đó là một đầu của âm vật nằm sâu bên trong âm đạo. Thật kỳ diệu phải không?

Lỗ niệu đạo (urethra). Lỗ mở của niệu đạo nối với bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài. Lỗ niệu đạo nằm ngay bên dưới (chóp) âm vật.

Cửa âm đạo (vaginal opening, introitus). Cửa vào của âm đạo dẫn tới các cơ quan sinh dục trong. Đây là nơi dương vật đi vào trong khi quan hệ tình dục, nơi đầu em bé chui ra khi sinh nở, cũng là lối ra của máu kinh hàng tháng. Vì vậy, bạn đặt cốc nguyệt san vào trong âm đạo và có thể đi vệ sinh (cả nặng lẫn nhẹ) như bình thường.

Màng trinh (hymen). Nằm gần cửa âm đạo là màng trinh trong truyền thuyết, bởi vì mọi thứ chúng ta biết về màng trinh đều sai. Màng trinh là lớp mô niêm mạc mỏng vương xung quanh thành âm đạo như vành khuyên, có tính đàn hồi, gấp nếp tương tự như mô cơ thành âm đạo. Nó có xu hướng bị bào mòn thông qua tiết dịch âm đạo, hành kinh hàng tháng và do hormone. Vì thế, màng trinh không phải là một chỉ dấu của trinh tiết. Nó thường tiêu biến qua quá trình tập luyện thể thao, trong khi một số bạn sinh ra vốn đã không có màng trinh.

Đáy chậu (perinerium). Phần da kết nối giữa cửa âm đạo và hậu môn, nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh, và do đó bạn cũng sẽ thấy dễ chịu khi nó được kích thích.

Hậu môn (anus). Kết nối với trực tràng, giúp bạn đưa phân ra ngoài. Khi tới tuổi dậy thì, lông mu cũng che phủ cả hậu môn.

Cơ quan sinh dục trong

Dù bạn không nhìn thấy chúng, chức năng nội tiết của cơ quan sinh sản trong ảnh hưởng và điều tiết cuộc sống hàng ngày của bạn, cũng là nơi phép màu sinh sản diễn ra!

Dù bạn không nhìn thấy chúng, chức năng hormone của cơ quan sinh sản trong ảnh hưởng và điều tiết cuộc sống hàng ngày của bạn, cũng là nơi phép màu sinh sản diễn ra!

Tử cung (uterus). Dạ con. Khối cơ rỗng hình trái lê lộn ngược, với kích thước bằng quả chanh, nơi hợp tử (trứng đã được thụ tinh) phát triển thành bào thai. Nếu trứng chưa được thụ tinh khi tới tử cung, cùng với nội mạc tử cung nó sẽ được đào thải ra ngoài khi bạn hành kinh.

Buồng trứng (ovaries). Hai tuyến sinh dục kích thước bằng quả nho, chứa lên tới 1 triệu tế bào trứng, đồng thời tiết ra hai hormone estrogen và progesterone.

Noãn (ova, ovum). Noãn là nang mềm chứa một tế bào trứng bên trong. Mỗi chu kỳ, thông thường một tế bào trứng duy nhất được phóng thích khỏi buồng trứng. Nếu đoàn tụ với tinh trùng nó sẽ tạo thành hợp tử, được gọi là sự thụ thai.

Ống dẫn trứng (fallopian tube). Đường kênh cho tế bào trứng di chuyển từ buồng trứng tới tử cung. Tại đây, có thể tế bào trứng sẽ gặp tinh trùng, và sự thụ thai xảy ra.

Âm đạo (vagina, vaginal canal). Đường kênh rỗng dài khoảng 10cm, nối âm hộ với tử cung, có thể dài ra gấp đôi trong trạng thái kích thích. Âm đạo vận chuyển dịch kinh nguyệt từ tử cung ra ngoài, là đường thoát ra của khí hư và dịch nhầy cổ tử cung, trở thành kênh sinh trong khi sinh nở. Thành âm đạo là lớp lớp những mô cơ xếp li, nén vào nhau. Dịch tiết âm đạo rất có ích: nó giữ ẩm môi trường âm đạo, bôi trơn khi quan hệ tình dục, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng di chuyển, hoặc “khoá” tinh trùng ở lại sau thời điểm rụng trứng. Vì vậy, tính chất và màu sắc của dịch âm đạo sẽ thay đổi tuần hoàn tuỳ vào các pha trong chu kỳ kinh nguyệt để thực hiện các chức năng trên.

Nội mạc tử cung (endometrium). Lớp niêm mạc lót trong tử cung, dày lên hàng tháng để chuẩn bị cho sự thụ thai, và nếu sự thụ thai không xảy ra, nó sẽ bong ra, chảy ra ngoài trở thành dịch kinh nguyệt.

Cổ tử cung (cervix). Cánh cổng nối từ tử cung vào trong âm đạo, phần duy nhất của tử cung mà bạn có thể cảm nhận được bằng ngón tay (cảm giác như bạn chạm vào chóp mũi tròn và trơn nhẵn). Nó tiết ra dịch nhầy cổ tử cung, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng sống và di chuyển dễ dàng. Máu kinh được tử cung đẩy qua một lỗ nhỏ xíu trên cổ tử cung để vào âm đạo rồi ra ngoài, vì vậy cốc nguyệt san cần được đặt bên dưới cổ tử cung. Khi sinh nở, cổ tử cung giãn ra đủ để em bé chui qua. Còn ở trạng thái bình thường, nó là một lỗ nhỏ xíu đến mức chỉ dịch kinh nguyệt và tinh dịch đi qua được mà thôi.

Có thể bạn chưa biết…

Thành âm đạo nén chặt, xếp li

Âm đạo không phải là chiếc ống thẳng tuột hay rỗng bên trong. Nếu đúng như vậy, chẳng phải tampon hoặc cốc nguyệt san sẽ rơi ra ngoài sao? Thực chất, thành âm đạo xếp li trông giống như chiếc đàn accordion, nén chặt vào nhau, không để lại khoảng trống nào ở giữa. Thành âm đạo sẽ linh hoạt ôm xung quanh hình dáng của bất cứ vật gì mà bạn đưa vào âm đạo, rồi trở lại trạng thái nén chặt lại khi bạn lấy ra. Nếu bạn cắt ngang âm đạo, mặt cắt trông giống chữ W hoặc chữ H. Cấu trúc này cho phép âm đạo giãn nở kỳ diệu tới mức, nếu bạn muốn, sẽ tạo đủ chỗ đưa cả một em bé ra ngoài.

Bài viết liên quan: Cốc nguyệt san có làm âm đạo giãn rộng?

Âm đạo tự làm sạch

Giống y như con mèo nhà bạn! Dịch tiết âm đạo kết hợp với các lợi khuẩn duy trì tính acid nhẹ ở môi trường âm đạo, tiêu diệt vi khuẩn có hại và đào thải tế bào chết. Nếu bạn thấy dịch tiết âm đạo có màu trắng trong hoặc trắng đục thì đừng lo nhé! Âm đạo chỉ đang làm nhiệm vụ tự vệ sinh của mình đó thôi. Độ nhầy và lượng của dịch tiết âm đạo có thể thay đổi xuyên suốt chu kỳ của bạn. Một số bạn lại có cơ địa nhiều dịch âm đạo hơn bạn khác.

Nếu bạn thấy khí hư đột ngột đổi màu lạ, đi kèm với cảm giác ngứa ngáy hoặc đau rát ở xung quanh hay bên trong âm đạo, đến lúc bạn cần nói chuyện với bác sĩ ngay.

Có thứ gọi là bài tập chắc khoẻ âm đạo

Âm đạo được ôm xung quanh bởi cơ sàn chậu. Như mọi bộ phận khác trong cơ thể, cơ sàn chậu cùng cơ thành âm đạo của bạn cần được tập luyện để duy trì sự săn chắc. Đó là bài tập Kegel.

Hãy hình dung cảm giác đang đi tiểu giữa chừng thì nén dòng nước tiểu lại. Bạn đang siết cơ sàn chậu của mình để làm việc này đấy!

Bài tập Kegel rất đơn giản, bạn có thể tập mọi lúc, mọi nơi, dù đang nằm xem Netflix hay lái xe đi chơi. Hãy siết cơ sàn chậu của bạn, đếm đến 5 giây. Sau đó thả lỏng và đếm đến 5. Lặp lại 10 set như vậy, 3 lần một ngày (sáng, trưa, tối). Hãy thở như bình thường, đừng nín thở khi tập nhé!

Cơ sàn chậu có thể suy yếu do tuổi tác, sinh nở, thai kỳ, phẫu thuật, táo bón hoặc thừa cân. Kegel rất tuyệt vì về lâu dài, nó sẽ củng cố sự sức khoẻ của âm đạo và cơ sàn chậu, giúp bạn chống són tiểu, sinh nở thuận lợi hơn.

Vệ sinh âm đạo giống như da mặt

Skincare cho da mặt thật quan trọng, tại sao chúng ta lại bỏ qua vùng da bên dưới? Lớp da xung quanh âm đạo dễ bị khô và cũng dễ mụn như da mặt. Thế nên, đừng quên vệ sinh bên ngoài âm đạo bằng nước (ấm) khi bạn đi tắm hàng ngày.

Âm đạo rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại lai, dễ bị kích ứng hoặc viêm nhiễm nếu bị mất cân bằng pH. Vì thế, hãy tránh những dung dịch tẩy rửa nồng mùi hương nhân tạo, chọn sản phẩm có mùi hương từ thành phần tự nhiên.

Cuối cùng, chúng mình phải nhắc lại vì việc này rất quan trọng: Đừng bao giờ thụt rửa bên trong âm đạo!

2 thoughts on “Âm đạo 101: Mọi điều bạn cần biết về Cơ quan sinh dục nữ

  1. “Thế nên, đừng quên vệ sinh âm đạo bằng nước (ấm) khi bạn đi tắm hàng ngày.” cho e hỏi chỗ này là âm hộ hay âm đạo mà nếu là âm đạo thì mình có thể rửa bằng nước ấm vào bên trong ạ?

    1. Bạn chỉ nên rửa âm hộ là bộ phận sinh dục quan sát được bên ngoài, không nên thụt rửa vào trong âm đạo. Chúng mình cảm ơn góp ý của bạn và đã update để điểm này rõ ràng hơn. ❤️

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *